Ngày 2-7, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu biển Đông (FESS) đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu biển Đông năm 2018.
Quang cảnh tại lễ trao giải. Ảnh Trung Hiếu.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Lê Công Phụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ chia sẻ trong 6 năm qua, cuộc thi Nghiên cứu biển Đông (NCBĐ) đã nhận được hơn 500 bài dự thi với đối tượng tham gia đa dạng là học giả nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên, phóng viên…. từ mọi miền tổ quốc cũng như từ nhiều nước trên thế giới.
Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đánh giá chất lượng các bài dự thi đều ở mức cao, thể hiện tính khoa học và bám chắc thực tiễn, bao quát được các vấn đề nổi lên ở biển Đông hiện nay. Qua đó, thể hiện được tâm huyết cũng như quá trình làm việc nghiêm túc của các tác giả đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta.
Đặc biệt, theo PGS. Lê Văn Cương, so với các năm trước, các tác phẩm năm nay đã đưa ra nhiều đề xuất hơn và có giá trị bám sát thực tiễn. Ông cũng mong muốn các cuộc thi sau có thêm sự tham gia của các kiều bào ngoài nước.
Qua hai vòng chấm viết và chấm thuyết trình, Hội đồng Giám khảo Quỹ đã chọn ra một Công trình Nghiên cứu biển Đông xuất sắc, tám bài viết Nghiên cứu biển Đông đạt giải…
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ, PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng đánh giá cao sự tham gia tích cực của các thí sinh, từ đó càng củng cố quyết tâm đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua chất xám và tinh thần yêu nước của những người cầm bút. Cuộc thi Nghiên cứu biển Đông ngày càng thể hiện sự lan toả, uy tín của Quỹ cũng như sức hấp dẫn của cuộc thi đối với giới nghiên cứu và báo chí, đồng thời cũng định hình "phân khúc" sản phẩm về chủ quyền biển đảo.
Ban Tổ chức đánh giá cao các tác phẩm dự thi, dù ít nhưng có chất lượng tốt. PGS.TS. Nguyễn Vũ Tùng cũng mong muốn các thí sinh tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, trau dồi và quảng bá nhiều hơn nữa về Cuộc thi và Quỹ, đồng thời cũng giới thiệu một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng về biển đảo do Học viện Ngoại giao chủ trì cũng như về Tạp chí Nghiên cứu quốc tế như những kênh trau dồi kiến thức và xuất bản in ấn các sản phẩm có chất lượng.
Tại đây, TS. Hà Anh Tuấn cũng chia sẻ kế hoạch đã được Hội đồng quản lý Quỹ thông qua, theo đó các cuộc thi sẽ được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu từ năm 2020 để các nhà nghiên cứu có thêm thời gian đầu tư nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu, hướng tới các sản phẩm chất lượng để xuất bản rộng rãi tới công chúng.