Ngày 26-4, Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết vừa bắt giữ thêm 4 nghi phạm trong Tập đoàn Nam Long, một tổ chức “tín dụng đen” quy mô lớn trên cả nước.
Nguyễn Đức Thành cầm đầu đường dây tín dụng đen phủ khắp cả nước với thủ đoạn tra tấn nhân viên tàn độc đến chết.
Các nghi phạm bị bắt gồm Nguyễn Văn Lữ, Mai Quang Anh, Đặng Việt Hà (cùng quê Hải Phòng), Đào Anh Tài (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Theo kết quả điều tra, Tập đoàn Nam Long hoạt động cho vay rất chuyên nghiệp.
Theo thống kê của cơ quan điều tra, đường dây tín dụng đen này có khoảng 70 tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau, trong đó có bảy ngân hàng với nhiều chi nhánh trong cả nước để khách hàng nộp lãi, mặt khác nhằm hạn chế rủi ro khi bị phát hiện.
Những người trong đường dây tín dụng đen quy mô lớn bị bắt giữ.
Trong tài khoản ngân hàng của Tập đoàn Nam Long có số tiền hơn 510 tỉ đồng với hơn 200 khách hàng vay lãi ở 26 khu vực tại 63 tỉnh, thành.
Cơ quan điều tra đã xác minh được 100 khách hàng, trong đó có 61 khách hàng vay với số tiền 16 tỉ đồng; tiền bị hại phải trả 19,4 tỉ đồng; tiền phí ngoài hợp đồng là 906 triệu đồng, tiền lãi 3,4 tỉ đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an nhiều địa phương trong cả nước điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Nam Long.
Việc tuyển dụng nhân viên của tập đoàn này thông qua các trang mạng xã hội, chưa có tiền án, tiền sự để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng. Người mới vào làm được cầm tay chỉ việc, tiếp cận các tình huống xử lý nợ, sổ sách ghi chép phân loại khách hàng… Về cách đòi nợ, khi gặp khách hàng chống trả, tấn công thì nhân viên không bỏ chạy, không dùng vũ lực mà tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng đơn vu khống, đơn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đơn trình báo... Ngoài việc sử dụng SIM điện thoại riêng để phục vụ việc cho vay, tổ chức này còn in ấn biểu mẫu hợp đồng cho vay, giấy tờ mua bán tài sản (phục vụ việc chuyển hóa khi đòi nợ, xử lý hợp đồng quá hạn) và sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau để con nợ nộp vào... Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế lại khác, những người của Nam Long sẵn sàng sử dụng cách thức đe dọa bạo lực như gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần, và việc này diễn ra phổ biến ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó đường dây tín dụng này cũng ban hành các quy định để quản lý nhân viên cực kỳ khắt khe và mang tính ràng buộc, khống chế, đe dọa bằng các hình phạt như thời trung cổ. Trong trường hợp nếu nhân viên phá vỡ hợp đồng thì phải bồi thường 100 triệu đồng, chặt ngón tay, đánh đòn sa thải, phạt cải tạo trong công ty, bị đánh đập dã man... |