Bất động sản khu công nghiệp giúp khoản nợ xấu gần 8.000 tỉ đồng 'bốc hơi'

(PLO)- Bất động sản khu công nghiệp sôi động đã hỗ trợ cho những khoản nợ xấu tại ngân hàng được bảo đảm bằng bất động sản khu công nghiệp cũng dễ dàng kiếm được người nhận chuyển nhượng.

Mới đây, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2024, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng Giám đốc Sacombank cho biết: “Hiện ngân hàng Sacombank đã bán đấu giá thành công khoản nợ dự án khu công nghiệp Phong Phú, thu hồi thành công 20% giá trị. Bên trúng đấu giá sẽ tiếp tục thanh toán cho Sacombank theo tiến độ hoàn thành hồ sơ pháp lý dự án”.

Mặc dù mức giá của bên trúng thầu không được lãnh đạo ngân hàng này công bố, nhưng vào đầu năm 2023, Sacombank đã rao bán 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại dự án khu công nghiệp Phong Phú với giá khởi điểm là 7.934 tỉ đồng.

Khoản nợ được bảo đảm bằng dự án khu công nghiệp Phong Phú đã được Sacombank đấu giá thành công. Ảnh: Kiên Cường

Bất động sản khu công nghiệp đắt như tôm tươi

Điều đó cho thấy sức hút của thị trường bất động sản khu công nghiệp hấp dẫn hơn hẳn so với các loại hình bất động sản khác. Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) ghi nhận, tính đến hết quý 1-2024, cả nước có 418 Khu công nghiệp (trong đó có 4 khu chế xuất) đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.

Các khu công nghiệp đang hoạt động có tỉ lệ lấp đầy trên 75%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng xây sẵn cho thuê tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đến từ ngành công nghiệp sản xuất; thương mại điện tử; máy móc, linh kiện điện tử.

Giá đất công nghiệp tăng ổn định, từ 8% - 12%/năm. Khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất, giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Bắc Ninh ghi nhận mức tăng giá lớn nhất, lên tới 170 USD/m2/chu kỳ thuê do có thêm nguồn cung mới chất lượng cùng với sự quan tâm của các doanh nghiệp công nghệ cao.

Hải Phòng 125 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê. Thị trường TP.HCM và Bình Dương tiếp tục không ghi nhận biến động về giá do các khu công nghiệp sẵn có đều đã được lấp đầy với chu kỳ thuê dài hạn.

Long An có mức giá thuê trung bình dao động từ 140 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Mức giá thuê trung bình tại Đồng Nai dao động từ 120- 240 USD/m2 còn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá thuê trung bình130 USD/m2/chu kỳ thuê.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS nhận định: "Thực tế cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đã đón nhận nhiều dự án khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Chẳng hạn như khởi công Cụm công nghiệp 50ha tại Quảng Ngãi; chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II gần 4.000 tỉ đồng; giải phóng đền bù và thi công một số hạng mục ở khu công nghiệp Vĩnh Thạnh...

Các doanh nghiệp niêm yết phân khúc bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng, bất chấp khó khăn chung của các doanh nghiệp bất động sản phát triển phân khúc khác.

Nguồn cung bất động sản công nghiệp đang chứng kiến sự tăng trưởng ở cả miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, việc áp dụng cách tính giá đất mới theo hướng "sát" hơn với thị trường có thể làm hạn chế nguồn cung do chi phí tăng thêm".

Tiềm năng lớn thị trường bất động sản khu công nghiệp

Ông Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, hiện nay, nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao nhờ xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, từ các quan hệ hợp tác ngoại giao tích cực, chủ yếu trong ngành điện tử, và bán dẫn từ khu vực miền Bắc và ngành sản xuất, logistic, thực phẩm từ miền Nam.

Đồng quan điểm, bà Trang Bùi, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield cho biết: “Trong nghiên cứu của Cushman & Wakefield, thị trường công nghiệp và hậu cần thì khu vực miền Bắc đã duy trì vị thế là cánh tay nối dài của công xưởng thế giới trong hàng thập kỷ qua.

Với sự hỗ trợ của hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển dọc theo hành lang từ Tây sang Đông. Tổng nguồn cung đất công nghiệp phía Bắc tính đến quý -1-2024 đạt 14.600 ha từ 71 dự án.

Nhận định về tiềm năng của thị trường bất động sản khu công nghiệp, ông Đính khẳng định: "Trong thời gian tới, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục vị trí đầu bảng, giữ vững đà tăng trưởng, phát triển mạnh với nhiều nguồn cung mới chất lượng cao, hấp dẫn nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là các quốc gia đang dẫn đầu về đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam.

Sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp là nền tảng vững chắc để tạo đà cho phân khúc nhà ở phục vụ nhóm đối tượng chuyên gia, công nhân trong khu công nghiệp, đặc biệt là khi quy định mới liên quan đến nhóm khách hàng có nhu cầu mua, thuê mua và thuê được cởi mở hơn” ông Đính nhấn mạnh.

Bà Trang Bùi nhận xét: “Đối với nhu cầu, thị trường bất động sản khu công nhiệp ghi nhận hai xu hướng rõ rệt. Thứ nhất, hoạt động sản xuất hàng hóa cơ bản tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng mở rộng đầu tư từ các nhà sản xuất lớn, như một phần trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng các doanh nghiệp toàn cầu. Thứ hai, ngành sản xuất miền Bắc đang tiến lên chuỗi giá trị cao hơn sau khi đón nhận lượng đầu tư quy mô lớn vào lĩnh vực bán dẫn, điện tử và công nghệ cao,” .

Bà Trang đánh giá thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn mặc dù chỉ mới phát triển từ năm 2018 nhưng lại cho thấy khả năng tăng tốc nhanh chóng, với tốc độ tăng trưởng gần 4 lần vào năm 2023. Mặc dù nguồn cung mới đã kéo tỉ lệ trống tăng, nhưng nhu cầu chung của thị trường vẫn tương đối mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới