Vì giữa liều điều trị và liều độc là rất gần. Tình trạng dùng thuốc bừa bãi như hiện nay không chỉ nguy hiểm cho chính người bệnh mà còn nguy hiểm cho cả cộng đồng.
Theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc - GPP”, Bộ Y tế quy định phải bán theo đúng đơn thuốc và có quyền từ chối bán thuốc theo đơn trong trường hợp đơn thuốc không hợp lệ, đơn thuốc sai phạm về pháp lý… Tuy nhiên, khảo sát của Pháp Luật TP.HCM, hầu như các nhà thuốc GPP cố tình “quăng cục lơ” các quy định trên.
Bán theo toa thuốc do… phóng viên tự “chế”!
Tấp vào nhà thuốc Thanh Tuyền 2 (705 Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP.HCM), chúng tôi đưa cho nhân viên tờ giấy có tên hai loại thuốc kháng sinh do chúng tôi tự ghi gồm Penicilin và Ampicilin 500 mg. Chẳng hỏi đơn thuốc, chẳng hỏi mua sử dụng mục đích gì, nhân viên nhà thuốc nhanh chóng lấy thuốc đưa cho phóng viên.
Lấy lý do vợ đang bị cao huyết áp, phóng viên ghé vào nhà thuốc Thanh Tân (6/4 Tô Ký, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) hỏi mua. Nhân viên nhà thuốc hỏi trước nay vợ thường uống thuốc gì? Phóng viên trả lời là không nhớ. “Anh về nhà lấy toa thuốc hoặc bao bì thuốc trị cao huyết áp vợ anh đã uống mang ra đây tôi mới bán” - nhân viên nhà thuốc nói.
Chúng tôi thầm nghĩ, nhà thuốc này thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế, bán thuốc buộc kê đơn phải có toa. Tuy nhiên, tìm chỗ khuất, phóng viên xé miếng giấy ghi tên thuốc Amlodipin rồi quay lại nhà thuốc Thanh Tân vừa rồi và nói: “Vợ tôi có ghi sẵn tên thuốc nhưng tôi quên”. Nhân viên nhà thuốc chẳng ghi ngờ “toa thuốc” do phóng viên tự “vẽ”, vui vẻ bán vỉ thuốc trị cao huyết áp Amlodipin 10 viên với giá 8.000 đồng. Phóng viên hỏi: “Sau này tôi bận, con tôi mang bao bì thuốc này ra chị bán không?”. Chẳng những gật đầu cái rụp, nhân viên nhà thuốc còn cười rất tươi.
Một trẻ bị phản ứng thuốc do uống thuốc cha mẹ tự mua đang nằm cấp cứu tại BV quận 2, TP.HCM. Ảnh: D.Tính
Chúng tôi tiếp tục ghé vào nhà thuốc Trí Đức (322A Phan Huy Ích, Gò Vấp), trên bảng hiệu có dòng chữ: “Đạt tiêu chuẩn GPP” bự chảng. Lấy lý do hay chóng mặt vì tuột huyết áp, phóng viên hỏi mua thuốc trị. Chẳng tư vấn cho phóng viên đi khám bệnh, chẳng yêu cầu toa thuốc của bác sĩ, nhân viên nhà thuốc bán hai viên Kotimogin giá 10.000 đồng và dặn mỗi ngày uống một viên. Phóng viên hỏi sau này nhờ người nhà cầm tên thuốc ra mua có được không, nhân viên nhà thuốc gật đầu.
Biết nguy hại, vẫn cứ bán!
Trước khi ghé vào nhà thuốc Thanh Hà (406 Âu Cơ, Tân Bình), chúng tôi tự biên ra “toa thuốc” gồm hai loại Nitromint và Vastaren. Nhìn “toa thuốc”, nhân viên cửa hàng bảo Nitromint trị đau thắt ngực, Vastaren trị thiếu máu cơ tim. “Vastaren có hai loại với hàm lượng khác nhau, 20 mg và 35 mg, anh mua loại nào?” - nhân viên nhà thuốc hỏi.
Sau khi nhận thuốc, chúng tôi yêu cầu hướng dẫn cách uống. Nhân viên nhà thuốc trả lời: “Tùy theo tình trạng bệnh mà bác sĩ chỉnh liều, chứ quy cách uống không quy định liều”. Phóng viên hỏi tiếp: “Nhóm thuốc tim mạch bán phải có toa của bác sĩ, phải không chị? Uống không đúng liều lượng có sao không?”. Nhân viên nhà thuốc trả lời tỉnh queo: “Nhìn “toa thuốc” anh đưa tôi biết là của bác sĩ cho. Uống không đúng liều lượng thì đi… cấp cứu!” (?!).
Theo quy định, thuốc điều trị bệnh gút phải có toa bác sĩ. Tuy nhiên, nghe chúng tôi hỏi mua thuốc điều trị bệnh này thì nhân viên nhà thuốc Quỳnh Châu (391 Âu Cơ, Tân Phú) mau mắn đưa ra hai viên khác nhau. Điều đáng nói có một viên không bao bì nên chúng tôi không biết tên thuốc là gì.
Tương tự, thuốc điều trị chống loét dạ dày và giun sán phải có toa bác sĩ. Thế nhưng nhân viên nhà thuốc Thanh Hải (142 Bình Thới, quận 11) phớt lờ quy định đó và đã bán thuốc trị đau dạ dày Mepraz và trị giun sán Glocar. Chưa hết, chúng tôi hỏi: “Các loại thuốc này bán có cần toa bác sĩ không?” thì nhân viên nhà thuốc trả lời “khỏi cần” mặc trên bao bì thuốc Mepraz có in dòng chữ “thuốc bán theo đơn”.
Trước đây, nhiều bạn đọc phản ánh nhà thuốc Riết Thân (C95 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12) vô tư bán nhóm thuốc buộc kê đơn nhưng không có toa của bác sĩ. Phóng viên ghé nhà thuốc này hỏi mua ba viên thuốc trị tuột huyết áp Atenolol 50 mg thì được nhân viên nhà thuốc đáp ứng ngay.
Phóng viên hỏi: “Lý do vì sao nhà thuốc đạt chuẩn GPP lại bán thuốc trị tuột huyết áp nhưng không có toa của bác sĩ?”. Ông Lê Hồng Thân, đại diện nhà thuốc, thừa nhận việc làm trên của nhân viên là sai và hứa chấn chỉnh.
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Vừa xử phạt, vừa tuyên truyền Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cũng đã xử phạt một số trường hợp vi phạm quy định. Nhìn chung, TP.HCM đang trong quá trình thực hiện nhà thuốc đạt chuẩn GPP nên chủ yếu vừa kiểm tra xử phạt vừa tuyên truyền để các nhà thuốc thực hiện tốt các quy định. Mục đích chính của việc này nhằm quản lý nhà nước trên lĩnh vực mua bán thuốc và bảo vệ sức khỏe của người dân. HUYỀN VI ghi |
TRẦN NGỌC