Bé 3 tuổi lõm ngực nghiêm trọng, phải đặt thanh nâng 2 năm

(PLO)- Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 3 tuổi bị lõm ngực nặng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, TP.HCM, tổ chức họp báo thông tin về ca phẫu thuật thành công cho bệnh nhi BKNT (3 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bị CPAM (dị dạng đường dẫn khí bẩm sinh) thùy giữa phổi phải và lõm ngực nặng.

Mẹ bệnh nhi là chị KNTK (30 tuổi) cho biết trước đó con có dấu hiệu thở mệt, thở nhanh và ăn uống rất kém kèm theo mệt mỏi. Chị đưa con đến khám tại BV tỉnh, BS chẩn đoán bé bị viêm phổi cấp và viêm phế quản cấp.

“Điều trị nhưng con không bớt, cứ tái đi tái lại. Sau khi điều trị bốn lần tại BV tỉnh, lần thứ 5 con nhập viện 11 ngày nhưng không đỡ, thấy ho nhiều và mệt hơn, BS khuyên gia đình tôi chuyển viện cho con” - chị T nói.

Bé gái 3 tuổi bị lõm ngực nghiêm trọng. Ảnh: BVCC

Bé gái 3 tuổi bị lõm ngực nghiêm trọng. Ảnh: BVCC

Tại BV Nhi đồng 1, bệnh nhi được siêu âm ngực phát hiện một số ổ dạng bóng khí thủy giữa phổi phải, không ổ đông đặc, không thấy mức cặn dịch, CPAM. BS chẩn đoán bệnh nhi bị lõm ngực và có kén khí ở phổi. Bệnh nhi được phẫu thuật cắt kén khí ở phổi và đặt thanh nâng ngực.

BS Đặng Khải Minh, khoa Chấn thương chỉnh hình (BV Nhi đồng 1), cho biết trước đây những ca mổ ngực lõm chỉ mất khoảng 1,5 giờ, hầu như bệnh nhân không thở máy, chỉ theo dõi tại khoa Hồi sức 6-12 tiếng, sau đó ăn uống bình thường.

Tuy nhiên bệnh nhi này kèm theo CPAM và lõm ngực trên bệnh nhân quá nhỏ tuổi nên mổ 3 tiếng, phải thở máy hai ngày.

Theo BS Minh, thông thường các bé ngực lõm sẽ được theo dõi mỗi năm một lần đến khoảng 8 tuổi sẽ phẫu thuật. Vì từ 8-12 là độ tuổi phẫu lồng ngực đẹp nhất. Tuy nhiên bệnh nhi này mức độ lõm rất sâu kèm phổi phải có kén khí. Đối với bệnh lý ngực lõm kèm tim hay phổi bẩm sinh sẽ có chỉ định phẫu thuật sớm.

BS chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Phương Anh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

BS chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Phương Anh thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Bệnh nhi có xương ức và cột sống ép nhau chỉ còn một khoảng rất nhỏ khiến tim bị ép nằm hẳn sang bên trái. Nếu để càng lâu, van hai lá sẽ bị hở khiến từ bệnh lý về xương chuyển sang bệnh lý tim mạch, lúc đó phẫu thuật sẽ cực kì phức tạp. Phổi bệnh nhi còn có dị tật bẩm sinh, đây là dị tật bất thường ở phổi. Hai bệnh lý kết hợp nên bé dễ viêm phổi tái đi tái lại, đồng thời ảnh hưởng đến tim.

Trước giờ chưa có một em bé nào "lõm kinh hoàng" như thế. Ê kíp phẫu thuật hội chẩn rất kĩ vì phẫu thuật nâng xương ức đã khó, làm thêm cả CPAM càng khó hơn. Nhưng nếu không mổ hai vấn đề cùng lúc mà mổ một cái trước thì sẽ gây khó cho vấn đề sau, nguy cơ vẫn tồn tại. Ê kíp phải thực hiện kĩ năng thật tốt, không để xảy ra biến chứng dù nhỏ nhất” - BS này nhấn mạnh.

BS chuyên khoa 2 Huỳnh Thị Phương Anh, khoa Ngoại tổng hợp, cho biết bệnh nhi hồi phục rất tốt, đã được xuất viện ngày 7-7. Hôm nay tái khám kết quả các chỉ số lồng ngực bình thường, không biến chứng phẫu thuật. Tuy nhiên cần tái khám để kiểm tra vì bệnh nhi vẫn đang mang một thanh nâng ngực trong cơ thể.

Dự kiến khoảng 1 năm rưỡi đến 2 năm, bé sẽ được rút thanh nâng ngực.

Xương sườn phát triển không đối xứng, gây lồi hoặc lõm ngực

Bất thường ngực là hội chứng bẩm sinh, do phát triển của xương sườn không đối xứng, gây biến dạng lồng ngực. Bất thường ngực thường gặp nhất ở hội chứng lồi hay lõm ngực. Sụn phát triển không đồng đều, nếu theo chiều hướng lõm xuống sẽ gây lõm ngực, trồi lên sẽ gây lồi ngực.

Mỗi năm BV phẫu thuật khoảng 100 ca mắc các hội chứng này, riêng dịp hè là nhiều nhất. Tháng 6-2023, BV đã phẫu thuật trên 50 ca lõm ngực, trung bình mỗi ngày 3-4 ca. Trẻ sau phẫu thuật sẽ sinh hoạt bình thường, giúp chất lượng sống tốt hơn trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm