Chiều 10-12, ThS-BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết BV vừa tiếp nhận bé gái ĐMA (18 tháng tuổi, cân nặng 8,8 kg, tỉnh Tiền Giang), bụng trướng to. Gia đình cho biết không nghĩ bé bị bệnh mà nghĩ trẻ nhỏ thường biếng ăn. Tuy nhiên, kết quả siêu âm, CT cho thấy bé có khối u gan phải khá to, hơn 5 cm.
“Sau ba giờ phẫu thuật nội soi, chúng tôi đã lấy ra khỏi cơ thể bé khối u gan cho hơn nắm tay, bằng phần gan còn lại trong cơ thể bé. Sau hai ngày phẫu thuật, các chức năng gan của bé trở lại bình thường, ăn uống tốt. Nếu không phát hiện mổ sớm, khả năng bé chạy nhảy ngã vỡ gan, mất máu và tử vong" -BS Hiếu nói.
Cũng theo BS Hiếu, nếu trường hợp của bé A. mà để trễ, khả năng khối u sẽ lớn xâm lấn gan và không thể mổ nội soi được nữa. Ngoài ra, nếu cắt phần lớn gan thì phần còn lại sẽ không đáp ứng được nhu cầu lọc máu. BS Hiếu cũng cho hay đây là lần đầu tiên BV Nhi đồng 1 thực hiện lấy u gan bằng nội soi và cũng là BV nhi đầu tiên thực hiện phương pháp này.
BS CKI Nguyễn Ngọc Cường, Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức BV Nhi đồng 1, cho biết thêm trước đây BV thường phẫu u gan bằng mổ hở. Tuy nhiên, gan như trái tim thứ hai chứa máu rất nhiều, mỗi ngày có thể lọc đến 10 lít máu (ở trẻ em). Vì vậy, việc mổ gan bằng mổ hở thì gần như là thay máu toàn bộ cơ thể bé do mất máu ồ ạt, sau đó là biến chứng rối đông máu.
Việc áp dụng phương pháp nội soi sẽ hạn chế mất máu, tạo cơ hội sống cho bệnh nhi nhiều hơn. Với trẻ 18 tháng tuổi, việc mất 50-100 cc máu cũng sẽ khó khống chế và nó sẽ ảnh hướng đến tim…
“Với bệnh nhi trên, chúng tôi đã dự liệu tất cả tình huống mất máu, bù máu, thậm chí là nếu bé chảy máu gan nhiều quá thì sẽ chuyển qua mổ hở nhưng rất may các vấn đề này không xảy ra. Chúng tôi đang chờ kết quả giải phẫu bệnh, nếu kết quả là u ác tính, chúng tôi sẽ chuyển bé sang một BV khác để hóa trị” - BS Hiếu nói.