BHYT: Đừng để người nghèo chịu thiệt

Đó là những nỗi khổ, những bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) được các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận ngày 8-11.

Theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM), thời gian qua BHYT đã thực sự là cứu cánh cho nhiều sinh mạng con người khi đối diện với bệnh tật. Tuy nhiên, việc người dân chưa mặn mà tham gia BHYT là do công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, nhất là tình trạng phân biệt đối xử với người khám, chữa bệnh.

Không thể trì hoãn việc nâng cao chất lượng

“Ở nhiều bệnh viện, người khám, chữa bệnh BHYT phải xếp hàng dài dằng dặc, trong khi cạnh đó những quầy khám dịch vụ ít người hơn, lại có những nhân viên y tế ngồi không. Nhiều người phải chờ vài tiếng mới được làm thủ tục, cuối cùng chỉ để được khám trong vòng 1 phút. Đó là chưa kể thời gian xử lý một hồ sơ BHYT rất lâu, với nhiều thủ tục rườm rà phức tạp. Những cảnh như vậy làm sao có thể thu hút được toàn dân tham gia BHYT” - bà Trang nói và cho rằng để tiến tới mục tiêu 100% người dân tham gia BHYT thì việc cần phải làm ngay là tổ chức lại công tác khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT một cách khoa học, thuận tiện hơn để hình thành một nền dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT và có chất lượng.

Sự bất đồng giữa ngành y tế và bảo hiểm trong việc chi trả đã và đang gây ảnh hưởng đến người bệnh. Trong ảnh: Khám BHYT tại Bệnh viện quận 5, TP.HCM. Ảnh: HTD

Tán thành với ý kiến của bà Trang, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng BHYT muốn tạo ra sức hút đối với người dân cần phải có các giải pháp cấp bách, ngăn chặn ngay tình trạng “phong bì”, “quá tải”. Ông Nghĩa cũng đề nghị sửa đổi lại thủ tục chuyển tuyến, khám, chữa bệnh BHYT theo hướng, đối với người có thẻ được quyền đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa và được thanh toán như tại nơi đăng ký khám bệnh ban đầu mà không cần làm thủ tục chuyển viện.

Người nghèo bù phí chữa bệnh cho người giàu

Một bất cập được đại biểu Nghĩa chỉ ra là tình trạng “người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi phí khám bệnh cho người giàu”. Theo Nghị định 62/2009 của Chính phủ thì quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng để bổ sung cho những địa phương bội chi. “Tại các tỉnh miền núi do dân cư phân tán, đi lại khó khăn, xa bệnh viện, dù có bệnh nhưng người dân cũng ít đến bệnh viện nên quỹ BHYT kết dư cao, còn tại các TP lớn thì lại bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi phí khám bệnh cho người giàu, đây là một nghịch lý không thể chấp nhận được” - ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng đề nghị sửa đổi lại các quy định để số tiền kết dư được đầu tư trở lại cho các địa phương nhằm tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh sự bất đồng giữa ngành y tế và bảo hiểm trong việc chi trả đã và đang gây ảnh hưởng đến người bệnh. Đơn cử như phía y tế thì muốn đưa nhiều dịch vụ kỹ thuật vào để đảm bảo tốt nhất cho việc khám, chữa bệnh. Phía bảo hiểm xã hội thì cho rằng như vậy sẽ nâng giá dịch vụ cao lên và sẽ có nguy cơ âm quỹ, vỡ nợ. “Những bất đồng này kéo dài nhưng cũng không cơ quan nào giải quyết khiến quyền lợi của người bệnh bị ảnh hưởng” - bà Ngân bày tỏ.

Để giải quyết những vấn đề trên, ông Huỳnh Nghĩa cho rằng cần nâng mức đóng BHYT của người dân trong một chừng mực nhất định. Đồng thời, Nhà nước cần có quỹ bổ trợ phù hợp, đối với việc thanh toán chi phí bảo hiểm thì không do bảo hiểm xã hội thực hiện mà cần có một bộ phận trung gian giám định độc lập.

Tiêu cực, lãng phí lớn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre), việc cấp trùng thẻ BHYT vừa qua đã gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước rất lớn. Chỉ tính riêng kết quả rà soát tại 42 tỉnh, TP trong thời gian 2009-2012 đã phát hiện gần 800.000 thẻ BHYT cấp trùng (với số tiền ngân sách phải chi là trên 342 tỉ đồng). Nguyên nhân chính là do khâu quản lý, cập nhật chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, các cấp trung ương và địa phương. Dữ liệu nghiệp vụ còn phân tán, chia cắt, ít có sự liên thông với nhau, chưa hình thành được hệ thống quản lý lưu trữ dữ liệu quốc gia về BHYT.

Tình trạng lợi dụng, lạm dụng quỹ BHYT vẫn diễn ra tinh vi và phức tạp, nhiều khi núp dưới những vỏ bọc hợp pháp. Có bệnh nhân đã khám, chữa bệnh BHYT đến 157 lần/năm; có những chuyện thường ngày như một số bác sĩ đã nhờ người nhà đến bệnh viện để lấy thuốc BHYT đem về cho phòng mạch tư; những chuyện gây chấn động như nhân bản kết quả xét nghiệm hay chiếm đoạt quỹ…

Đại biểu đoàn NGUYỄN THÙY TRANG, TP.HCM

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới