Bị bạn đổ tội oan?

Mới đây, TAND huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đã tuyên hoãn xử, trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra tại địa phương từ tháng 4-2010. Đây là vụ án thu hút sự chú ý của người dân địa phương bởi từ khi tai nạn xảy ra đến nay đã hơn bốn năm nhưng các cơ quan tố tụng vẫn loay hoay chưa làm rõ được ai là người cầm lái để quy trách nhiệm.

Không biết ai cầm lái

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, theo hồ sơ, Trần Thọ Đức và Trần Thanh Sang là bạn của nhau. Tối 30-4-2010, sau khi nhậu xong, cả hai chạy xe máy trên quốc lộ 14 theo hướng từ thị xã Buôn Hồ đi huyện EaH’leo. Đến Km 672+200 m (xã Pơng Drang, Krông Búk), do không đi đúng phần đường, xe của Sang và Đức đã tông vào xe máy của anh LQL khiến anh L. tử vong. Sang cũng bị thương tật 55%, còn Đức chấn thương nhẹ.

Qua điều tra, CQĐT Công an huyện Krông Búk xác định Đức đã lái xe chở Sang gây ra tai nạn. Tháng 1-2011, VKSND huyện Krông Búk ra cáo trạng truy tố Đức. Tháng 5-2011, TAND huyện Krông Búk phạt Đức ba năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, buộc bồi thường cho anh L. và Sang hơn 100 triệu đồng.

Bị cáo Sang (bên phải, người có khả năng bị đổ tội oan) đang trao đổi với luật sư. Ảnh: H.TÚ

Đức kháng cáo kêu oan, cho rằng Sang mới là người cầm lái. Tháng 7-2011, TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì có nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở xác định Đức là người cầm lái.

Tháng 8-2013, CQĐT Công an huyện Krông Búk ra quyết định đình chỉ điều tra với Đức, quay sang khởi tố, bắt tạm giam Sang về tội danh trên. Theo cơ quan điều tra, qua nhiều lần trưng cầu đã nhận được ba kết quả giám định. Lần thứ nhất, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk trả lời không đủ điều kiện xác định ai là người điều khiển xe máy. Lần thứ hai, Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng kết luận: “Thương tích trên cơ thể anh Trần Thanh Sang phù hợp với thương tích của người cầm lái xe mô tô”. Lần thứ ba, Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM cũng không thể đưa ra kết luận nên đề nghị cơ quan điều tra gửi hồ sơ ra Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội để thành lập hội đồng giám định.

Dù các kết luận giám định đều không cho kết quả rõ ràng nhưng tháng 10-2013, VKSND huyện Krông Búk vẫn ra cáo trạng truy tố Sang. Tháng 3-2014, TAND huyện Krông Búk đã hoãn xử sơ thẩm lần hai, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì lời khai của Sang, Đức và các nhân chứng mâu thuẫn; chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ cũng không thống nhất nên vẫn chưa thể xác định chính xác ai là người cầm lái.

Xuất hiện nhân chứng mới quan trọng

Tại phiên sơ thẩm lần ba (ngày 14-8), một người không có mặt suốt quá trình giải quyết án trước đó đã được tòa triệu tập tham gia phiên tòa là anh Đặng Trọng Vụ. Anh Vụ cho biết mình là người chứng kiến từ đầu, từ trước khi tai nạn xảy ra nhưng không được cơ quan điều tra triệu tập làm chứng. Mới đây, khi nghe mọi người nói Sang đang bị truy tố, xét xử thì anh Vụ mới làm đơn gửi các cơ quan chức năng để trình bày sự thật của vụ án. Từ lá đơn trên, tòa đã triệu tập anh Vụ tham gia phiên xử lần này.

Anh Vụ trình bày: “Vào khoảng sau 19 giờ ngày 30-4-2010, tôi cùng vợ đi tập thể dục. Khi đến ngã ba Công Trình thì thấy một xe máy chạy theo hướng từ thị xã Buôn Hồ đi huyện EaH’leo do một thanh niên mặc áo vàng (Đức - PV) điều khiển chở theo phía sau một thanh niên mặc áo đen đang ôm gục đầu phía sau (Sang - PV). Chiếc xe máy chạy rất nhanh, lấn sang phần đường ngược chiều và suýt gây tai nạn cho hai phương tiện chạy ngược chiều. Sau đó, chiếc xe chạy vòng vào sân cây xăng gần đó rồi chạy trở ra và tông vào xe máy của nạn nhân. Thấy tai nạn, tôi để vợ đứng đó, chạy lại hiện trường thì thấy người thanh niên mặc áo vàng đang ngồi dậy, nạn nhân và người mặc áo đen nằm bất động nên chỉ mặt người thanh niên mặc áo vàng chửi. Sau đó, tôi yêu cầu người thanh niên mặc áo vàng gọi điện thoại báo người nhà nạn nhân và cùng người dân hỗ trợ đưa người bị nạn đi cấp cứu. Khi cơ quan chức năng có mặt, tôi và nhiều người khác có lời trình bày sự việc xảy ra nhưng sau đó không thấy ai nhắc gì đến”.

Cũng theo anh Vụ, sau khi xảy ra vụ án khoảng hai ngày, em gái của người mặc áo vàng (lúc này đã biết tên Đức) có tìm đến nhà nói Đức đang đi học ở Cần Thơ, xin anh Vụ giúp đỡ là “đừng nói gì”. Tuy nhiên, khi được tòa hỏi, em gái của Đức đã bác bỏ lời khai này của anh Vụ.

Do suốt quá trình giải quyết án trước đó, anh Vụ không được triệu tập tham gia với tư cách người làm chứng nên trước diễn biến mới này, tòa quyết định hoãn xử một lần nữa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

HỒNG TÚ

“Tôi phải nói lên sự thật”

Trao đổi với PV, anh Vụ cho biết thêm: “Lúc xảy ra tai nạn, tôi chỉ thấy người thanh niên áo vàng chở người thanh niên mặc áo đen chứ chưa biết ai là Đức, ai là Sang. Tôi không quen biết với Đức và Sang nên sự việc tôi chứng kiến sao tôi khai như vậy. Tôi làm nghề tài xế xe tải đường dài nên mong muốn khi tai nạn xảy ra phải xác định đúng sự thật vụ án. Lâu nay tôi không để ý đến vụ việc do thường xuyên đi xa và cũng không được ai mời nên không biết Sang - người mặc áo đen ngồi sau lại thành bị cáo và bị xét xử. Ngoài tôi là người chứng kiến trực tiếp còn có nhiều người khác nữa, ví dụ như chú bảo vệ trường học ngay nơi xảy ra tai nạn nhưng cũng không thấy được triệu tập làm chứng. Nghề nghiệp của mình là lái xe nên tôi có trách nhiệm phải nói lên sự thật. Tôi đã làm đơn gửi đến tòa, VKS… để xin được tham gia vụ án và nếu cần, tôi có thể chỉ rõ những người làm chứng khác chưa được triệu tập để tham gia làm chứng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm