Bị cáo Tề Trí Dũng 'đọc vị' ông Tất Thành Cang khi bán 9 triệu cổ phần

Ngày 29-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ sai phạm liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO).

Đại diện VKS làm rõ việc bị cáo Tề Trí Dũng (cựu tổng giám đốc, thành viên HĐTV Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, chủ tịch HĐQT SADECO) khai về chỉ đạo của ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) bán rẻ 9 triệu cổ phần.

Bị cáo Tất Thành Cang (trái) và bị cáo Tề Trí Dũng. Ảnh: NGUYỆT NHI

"Đọc vị" lãnh đạo để nắm định hướng, chủ trương

Trả lời VKS, bị cáo Dũng một lần nữa thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng quy kết. Về lý do chọn Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (gọi tắt là Công ty Nguyễn Kim) là cổ đông chiến lược, bị cáo Dũng khai khoảng tháng 9-2016, ông Cang chủ động liên hệ với ông để hỏi về SADECO cũng như nhắc tới Công ty Nguyễn Kim.

Tiếp đó, đại diện Công ty Nguyễn Kim có nói với bị cáo Dũng là mong muốn được tham gia vào SADECO nhưng bị cáo này nói mình chỉ là người đại diện phần vốn nhà nước tại đây. Còn lại, việc quyết định ai tham gia vào công ty phải thông qua chủ tịch UBND TP.HCM và Văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Ông Dũng cho rằng ông Cang có chỉ đạo tạo điều kiện cho Công ty Nguyễn Kim tham gia vào SADECO nhưng không chỉ đạo việc phát hành 9 triệu cổ phần.

VKS hỏi có văn bản hoặc chỉ đạo trực tiếp nào của ông Cang về việc bán cổ phần cho Nguyễn Kim không. Bị cáo Dũng trả lời: “Việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO là quy trình tiếp theo của các bộ phận, chức năng của SADECO, IPC báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Nhưng trong nhận thức của bị cáo, nếu không nhận được một lời nói hoặc yêu cầu chỉ đạo nào thì việc phát hành cổ phần sẽ không được xúc tiến. Bởi nếu xúc tiến không đúng định hướng, chủ trương, hay suy nghĩ của lãnh đạo thì việc này không nên làm”.

VKS cũng chất vấn bị cáo Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO) về việc bị cáo Cang trình bày có hai tờ trình 12A và 13 khác nhau về pháp lý.

Cụ thể, tờ trình 12A để xin ý kiến chấp thuận chủ trương phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, nhằm tăng vốn điều lệ SADECO. Tuy nhiên, SADECO lại căn cứ vào tờ trình 13 nêu rõ cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, giá ấn định 40.000 đồng/cổ phần để ban hành nghị quyết về chuyển nhượng cổ phần. Vì vậy, ông Cang cho rằng cấp dưới không trung thực khi báo cáo và xin ý kiến nên không thể buộc ông phải chịu trách nhiệm.

Trả lời, bị cáo Long nói không muốn chỉ định một doanh nghiệp nào, để việc phát hành cổ phần được minh bạch, công khai nên có trao đổi với Hồ Thị Thanh Phúc (cựu tổng giám đốc SADECO) thay thế tờ trình 13 bằng tờ trình 12A là bỏ Công ty Nguyễn Kim ra và thay thế thành một cổ đông chiến lược.

Các bị cáo đề nghị xem xét lại tội tham ô

Ngoài hành vi bán rẻ 9 triệu cổ phần gây thiệt hại hơn 1.103 tỉ đồng, bị cáo Tề Trí Dũng cùng bảy đồng phạm bị cáo buộc tham ô tài sản.

Ông Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng HĐQT, ban kiểm soát cho mình và nhiều người khác. Ông Dũng nhận tổng cộng hơn 1,7 tỉ đồng bằng hình thức thông qua các thư ký, nhân viên của SADECO. Các thư ký nhận tiền mặt từ thủ quỹ rồi giao lại cho Dũng.

Tại tòa, ông Dũng thừa nhận bản thân đã được nhận 1,7 tỉ đồng nhưng nộp thuế 35% nên chỉ thực nhận 1,2 tỉ đồng. Ông nghĩ đó là tiền thù lao khen thưởng của công ty nên đương nhiên được nhận. Giãi bày thêm, ông Dũng nói không sử dụng tiền này để chi xài cá nhân mà đều làm từ thiện. Sau đó, thấy dư luận trong công ty ồn ào là ban giám đốc có thu nhập cao nên bức xúc và đề nghị bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc không cho tên mình vào danh sách nhận tiền nữa.

Bị cáo nói việc làm đó không phải nhằm mục đích báo cáo sai mà không muốn mang tiếng xấu. Sau khi cơ quan điều tra vào làm việc, thấy nói tiền này là nhận sai nên bị cáo đã trả tiền cho SADECO thông qua Phúc. “Tôi không nghĩ đó là tiền tham ô và khi bị khởi tố đã nộp lại hết số tiền này. Bị cáo nhận thức rõ đáng lẽ xưa không nên làm như vậy, đáng lẽ trích thành quỹ công tác xã hội của công ty thì sẽ không có ngày hôm nay” - bị cáo Dũng nói.

Bị cáo Dũng nói nhận thức pháp luật hạn chế và đề nghị HĐXX đánh giá lại, nếu bị xử tội tham ô thì cũng chấp nhận, không có ý kiến gì.

Còn bị cáo Phúc thừa nhận là người đại diện theo pháp luật của SADECO nhưng không tham ô nên đề nghị HĐXX xem xét lại.

Bị cáo Phạm Xuân Trung (phó tổng giám đốc IPC, đại diện vốn IPC, thành viên HĐQT SADECO) cũng khẳng định có nhận tiền thù lao khen thưởng hơn 300 triệu đồng nhưng nghĩ rằng đây là tiền của mình nên nhận. Sau này Phúc thu lại thì cũng đã trả.

Tương tự, các bị cáo khác nghĩ tiền thù lao mình nên nhận, không chiếm đoạt của ai, sau đó cũng tự nguyện trả lại nên băn khoăn bị truy tố tội tham ô.

Bị hại đòi bồi thường số tiền tham ô

Với tư cách bị hại, đại diện SADECO đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của đơn vị.

Về dân sự, bị hại yêu cầu các bị cáo bị cáo buộc tội tham ô tài sản có trách nhiệm liên đới bồi thường toàn bộ số tiền cho công ty (gần 4,7 tỉ đồng). Về việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim thì các bên đã hủy hợp đồng nên SADECO không có yêu cầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới