Bị cáo Tất Thành Cang giải thích về bút phê 'đồng ý'

Ngày 28-12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sai phạm liên quan đến Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO). Vụ án này, ông Tất Thành Cang (cựu phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 11 bị cáo bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tòa cho bị cáo Tất Thành Cang đối chất với Tề Trí Dũng

Hồ sơ thể hiện ông Cang đã có bút phê “đồng ý” cho SADECO bán 9 triệu cổ phần cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (gọi tắt là Công ty Nguyễn Kim), gây thất thoát số tiền 1.103 tỉ đồng. Trong đó, tài sản của Văn phòng Thành ủy TP.HCM là 184 tỉ đồng (tương đương 16%).

 Tại tòa, bị cáo Tề Trí Dũng (tổng giám đốc, thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC và chủ tịch HĐQT SADECO) khai ông Cang bút phê “đồng ý” với phương án để SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là chỉ đạo quan trọng nhất trong vụ án và có tính quyết định.

Hai bị cáo Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

Tuy nhiên, ông Cang bất ngờ phản bác cáo buộc. Ông Cang phủ nhận mình có vai trò chỉ đạo, quyết định, chủ mưu trong vụ án. Ông thừa nhận mình có bút phê “đồng ý” nhưng phản bác toàn bộ cáo trạng quy kết về hành vi phạm tội.

Lý giải về việc có bút phê trên, ông Cang cho rằng chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn việc thực hiện thì phải thông qua hội đồng cổ đông. Về nguyên tắc, việc đại diện vốn của Thành ủy tại SADECO muốn chuyển nhượng phần vốn phải có sự chấp thuận của lãnh đạo cơ quan. Tuy nhiên, trong chức năng, quyền hạn của mình, bị cáo chỉ thống nhất về chủ trương, còn quyền hạn thuộc thẩm quyền của Văn phòng Thành ủy.

“Tôi có bút phê chữ “đồng ý” với đề xuất của Văn phòng Thành ủy. Đồng ý có nghĩa là vì Văn phòng Thành ủy đề xuất chấp thuận chủ trương” - ông Cang nói. Bị cáo thực hiện nhiệm vụ là phó bí thư thực hiện theo nguyên tắc của Đảng là cho chủ trương, không can thiệp, làm thay chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan đó. Bị cáo không đồng ý với cáo trạng trang 25 nói chỉ đạo Dũng về chuyển nhượng vốn tại SADECO nên đề nghị cho đối chất.

Chủ tọa cho bị cáo Dũng lên đối chất về việc ngoài tờ trình có bút phê còn nhận được chỉ đạo nào khác hay không. Bị cáo Dũng cho rằng một lần gặp ở nhà có ông Nguyễn Văn Kim (chủ tịch Công ty Nguyễn Kim) thì nói tạo điều kiện cho Nguyễn Kim tham gia vào SADECO nhưng không chỉ đạo việc phát hành 9 triệu cổ phần cũng như mức 40.000 đồng/cổ phần. Trong nhận thức nếu không có chỉ đạo thì sẽ không xúc tiến…

Lập luận lạ: “Vốn của Văn phòng Thành ủy không phải tài sản
nhà nước”

Trước đó, ông Dũng khai đến nay, nhận thức được bán trực tiếp cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là sai nhưng tại thời điểm đó, nhận thức là làm đúng. Vì ngoài các văn bản chính thống có điện thoại riêng và không ai nhắc việc làm của bị cáo là sai. Các cơ quan chức năng tham mưu không nhắc bị cáo phải thực hiện đấu giá. Bị cáo hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, các cơ quan không nhắc nhở và làm đúng theo chủ trương nên chủ quan mình làm đúng.

Bị cáo Dũng cũng nói đã nhận thức rất rõ sai sót của bản thân, “cảm thấy rất nhẹ lòng vì đã nỗ lực tối đa để hủy bỏ hợp đồng, tránh thất thoát tài sản, hậu quả của vụ án đã được khắc phục khi hợp đồng đã hủy”.

Tại tòa, các bị cáo liên quan tại IPC, SADECO và đại diện vốn góp Văn phòng Thành ủy đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc.

Riêng bị cáo Trần Công Thiện (đại diện phần vốn Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại SADECO) không đồng ý với cáo buộc.

Ông Thiện cho rằng SADECO là công ty cổ phần nên cổ phần bán ra không phải tài sản Nhà nước. Do SADECO không phải là công ty nhà nước nên không tuân thủ Luật Quản lý vốn. Nếu vận dụng Luật Quản lý vốn thì phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Bị cáo Thiện nói tài sản này không thuộc sở hữu nhà nước, không có nguồn gốc nhà nước. “Vốn của Thành ủy tại SADECO là tài sản của Văn phòng Thành ủy, Đảng bộ TP.HCM. Khi tài sản nhà nước đã chuyển giao cho tổ chức chính trị thì tổ chức này toàn quyền định đoạt tài sản đó” - bị cáo Thiện khai.

Ông Thiện còn lập luận: Khi họp HĐQT của SADECO thì có bàn về nội dung Nguyễn Kim đang là đối tác chiến lược tham gia vào SADECO, bị cáo thấy Nguyễn Kim có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh nên nghĩ nếu đủ điều kiện và thực hiện theo đúng pháp luật, Nguyễn Kim có thể mua thêm cổ phần. Nếu không phát hành được cho Nguyễn Kim thì không phát hành được cho đơn vị nào nữa. Do đó, bị cáo đã làm tờ trình để gửi lên Văn phòng Thành ủy. Đồng thời, bị cáo này cho rằng đến thời điểm này không gây thiệt hại cho SADECO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm