Đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết vừa tiếp nhận xử lý những vụ việc đặt tên DN gây tranh cãi. Có DN đăng ký tên là Công ty TNHH Lê Quý Đôn nhưng bị cơ quan đăng ký kinh doanh bác. DN này đi xác minh tại Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thì được bộ nói đến thời điểm này chưa có cơ sở xác nhận Lê Quý Đôn là danh nhân. Trường hợp thứ hai là xin phép đặt tên Công ty TNHH Chín Tầng Mây cũng bị gạt bỏ. Chủ DN phản ảnh vì sao không cấp thì cơ quan chức năng giải thích “chín tầng mây” là tên một web sex nên cấp không được vì “vi phạm thuần phong mỹ tục”. Doanh nghiệp khóc ròng...Chưa hết, thời gian qua cơ quan đăng ký kinh doanh tại nhiều địa phương còn tiếp nhận nhiều sự việc bi hài trong đặt tên DN. Hai luật sư muốn thành lập công ty luật hợp danh, trong đó một luật sư tên Hùng, một luật sư tên Vương, đặt tên công ty luật là Hùng Vương thì bị cơ quan đăng ký kinh doanh không chấp nhận vì cho rằng trùng tên vị vua của đất nước. Hoặc có trường hợp có luật sư muốn thành lập “Văn phòng luật sư Trời Đất” nhưng cơ quan đăng ký không cho phép vì cho rằng tên này vi phạm thuần phong mỹ tục. Ông Bùi Anh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và đầu tư, nói: “Quy định thì đúng nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể nên gây tranh cãi và hiểu nhầm giữa DN và cơ quan cấp phép làm mất thời gian của đôi bên”. Dẫn ra những trường hợp cụ thể, ông Tuấn kể ở Hà Nội, một DN đề xuất đặt tên là Công ty TNHH cung cấp dịch vụ Sung Sướng. Trước yêu cầu này, cơ quan đăng ký kinh doanh Hà Nội “ngập ngừng” vì không biết cái tên này có bị coi là “vi phạm thuần phong mỹ tục” như quy định hay không. Một cái tên khác cũng từng bị từ chối là Công ty cổ phần Ăn Mòn VN, với ngành nghề kinh doanh hóa chất. Tuy nhiên, cán bộ đăng ký kinh doanh khá lúng túng trước cụm từ “ăn mòn VN” có nhạy cảm gì không. Không chỉ DN trong nước gặp rắc rối khi đặt tên DN mà ngay cả DN nước ngoài cũng gặp nhiều cản trở. Như trường hợp một công ty quốc tịch Brunei có tên đầy đủ là Công ty TNHH Vision xin phép Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Rắc rối bắt đầu từ việc nhà đầu tư muốn được để tên công ty con là Ying Lin (VN) nhưng cơ quan chức năng cho rằng từ Ying Lin không có nghĩa. “Mặc dù chúng tôi giải thích đây là từ phiên âm tiếng Hoa nghĩa tiếng Việt là “Dĩng Linh” nhưng cơ quan cấp phép không chấp nhận. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng chúng tôi buộc phải chọn tên Dĩng Linh và đến lượt chúng tôi lại không hiểu tên công ty của mình nghĩa là gì”, đại diện công ty này nói. Cơ quan quản lý lúng túngChứng kiến nhiều vướng mắc của nhà đầu tư khi đặt tên DN, luật sư Hà Hải - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng: “Tên DN là thương hiệu, tài sản, liên quan đến sự tồn tại của DN nên đâu thể tùy tiện muốn đặt sao cũng được. Nhưng luật pháp của VN chưa quy định chặt chẽ vấn đề đặt tên nên một số cơ quan quản lý xem xét vụ việc theo cảm tính và cá nhân khiến nhà đầu tư ngay từ khi bắt đầu công việc kinh doanh tại VN đã cảm thấy không thoải mái, quan ngại”. Trước những phản ảnh của DN, ông Bùi Anh Tuấn nói: “Những tranh cãi về tên này đúng hay sai, trùng hay không trùng, đặc biệt là vi phạm văn hóa thuần phong mỹ tục dân tộc hay không thì tranh cãi kiểu gì cũng không xong và chúng tôi không biết phán quyết thế nào vì không có quy chuẩn quy định thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục. Rất nhiều lần đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ban hành thông tư quy định việc này nhưng xem ra rất khó”. Dẫn thực tế tại TP.HCM, một cán bộ phòng đăng ký kinh doanh sở cho biết hiện nay lượng tên DN gần như đầy nên rất dễ bị trùng lắp khiến DN khó kiếm đặt tên. Trong khi đó, các quy định về đặt tên DN lại thiếu rõ ràng càng làm khó DN và cả cơ quan cấp phép. Cụ thể, theo vị cán bộ này thì quy định về thuần phong mỹ tục, tên trùng, tên tiếng nước ngoài đang không có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Danh nhân thì chưa có quy định cụ thể, thuần phong mỹ tục thì thuộc vào nhận thức của mỗi người. Hay như việc DN không được đặt tên tiếng nước ngoài, cụ thể hiện nay mình nói với nhau là không đăng ký tên tiếng nước ngoài nhưng lại cho vào đó chữ Z, F, J... thì lại ngầm hiểu với nhau đó không phải tiếng Việt. Việc này trong thông tư có quy định nhưng rất mơ hồ khiến cơ quan đăng ký kinh doanh rất khó trả lời cho DN đúng, sai. Ví dụ tại sở chúng tôi, anh em ngồi với nhau thảo luận về một cái tên của một chi nhánh văn phòng đại diện theo tiếng nước ngoài mà hai tháng nay chưa thống nhất được”, vị này nói.
Theo ĐÌNH DÂN (TT)