Tháng 10-2014, vợ chồng ông Nguyễn Hồng Điều (ngụ quận 1, TP.HCM) khởi kiện yêu cầu TAND quận 1 hủy việc cấp giấy hồng của UBND quận này vì gây thiệt hại cho gia đình ông.
Xin vắng suốt quá trình tố tụng
Sau khi thụ lý, TAND quận 1 đã thông báo tới bên bị kiện là UBND quận. Trong văn bản trả lời tòa, UBND quận cho biết không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, đồng thời do điều kiện công tác UBND quận xin vắng mặt tại các buổi triệu tập, đối thoại, xét xử cho đến khi bản án có hiệu lực pháp luật của TAND quận 1 và TAND các cấp.
Trước đó, cũng liên quan tới sổ hồng trên, cho rằng nóc nhà bếp của mình lại do hộ bà Y. sử dụng nên ông Điều đã khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa công nhận quyền sở hữu nóc nhà bếp và phần không gian phía trên cho ông.
Tháng 10-2010, TAND quận 1 xử sơ thẩm đã tuyên bác yêu cầu của ông Điều. Ông Điều kháng cáo. Đầu năm 2012, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã hủy án, trả hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu vì bỏ lọt người tham gia tố tụng.
Sơ thẩm dự, phúc thẩm vắng
Vụ khác, không đồng tình với việc thu hồi đất và bồi thường, ông Trần Đức Minh đã khởi kiện UBND huyện Hòa Thành (Tây Ninh) ra tòa. Bị TAND huyện Hòa Thành xử sơ thẩm bác đơn khởi kiện, ông Minh kháng cáo.
Tháng 9-2015, trong phiên xử phúc thẩm, những người đại diện theo ủy quyền của ủy ban đều có đơn xin vắng mặt. TAND tỉnh Tây Ninh sau đó đã bác kháng cáo của ông Minh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Luật sư (LS) Trần Văn Hiếu (Đoàn LS TP.HCM, người bảo vệ cho ông Minh) cho hay: “Trong phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của ủy ban đến tranh luận rất sôi nổi. Còn phiên tòa phúc thẩm thì không có ai tham gia cả. Dù phiên tòa cũng diễn ra theo đầy đủ trình tự thủ tục nhưng đến phần xét hỏi thì tôi chẳng thể hỏi ủy ban được gì để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án. Đến phần tranh luận cũng chỉ LS và đương sự nói cho HĐXX nghe”.
LS Hiếu còn cho biết thêm, ông tham gia trong chín vụ kiện UBND huyện Hòa Thành ra tòa tương tự như trường hợp của ông Minh. Ở các phiên tòa sơ thẩm thì phía ủy ban tham gia đầy đủ nhưng đến phiên phúc thẩm, có nhiều vụ người đại diện của ủy ban gửi đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.
Ảnh hưởng nhiều mặt
ThS Nguyễn Hoàng Yến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Trong án hành chính, sự có mặt của phía người bị kiện trong phiên đối thoại, các phiên tòa xét xử sơ, phúc thẩm là điều kiện để người khởi kiện có thể tiếp xúc, trao đổi với chủ thể quản lý nhà nước, làm rõ các nội dung liên quan đến đối tượng khởi kiện. Sự vắng mặt của phía người bị kiện có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các đương sự khác và chất lượng xét xử vụ án.
Nhận xét của bà Yến được một thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xử án hành chính ở TP.HCM thừa nhận. Ông cho biết việc phía ủy ban có đơn xin vắng mặt thường làm các thẩm phán khó xử. Ông cũng đang gặp một vụ mà phía ủy ban có đơn xin vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng. “Trong văn bản ủy ban gửi tòa trả lời nguyên nhân không chấp nhận đơn khởi kiện còn chung chung lắm. Tôi đang làm công văn đề nghị ủy ban tham gia ít nhất là phiên đối thoại để người dân có cơ hội nói lên bức xúc của họ” - vị thẩm phán này nói.
Theo chánh án TAND một huyện, gặp trường hợp người bị kiện xin vắng mặt, các tòa vẫn thu thập tài liệu, chứng cứ khác để giải quyết nhưng ít nhiều việc làm rõ các vấn đề trong vụ án cũng bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể trong trường hợp người bị kiện xin vắng suốt quá trình tố tụng thì cơ hội để các bên hòa giải, đạt tới thỏa thuận thông qua phiên đối thoại cũng bị mất.
Luật cho vắng mặt tại phiên tòa nhưng nên tham gia Luật Tố tụng hành chính 2010 không có các quy định cụ thể về cách thức xử lý khi người bị kiện vắng mặt không tham gia đối thoại. Thiếu sót này dẫn đến thực trạng khi tòa tổ chức đối thoại, người bị kiện không có mặt nên tòa phải hoãn cuộc đối thoại rất nhiều lần để chờ người bị kiện tham gia, làm thời gian giải quyết án bị kéo dài. Theo tôi, vấn đề này cần phải được Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) quy định cụ thể. Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hành chính 2010 đã có quy định về việc tòa án xét xử vắng mặt người bị kiện tại các phiên tòa sơ, phúc thẩm vụ án hành chính. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên kiến nghị sửa đổi quy định theo hướng bắt buộc người bị kiện (hoặc người đại diện) phải có mặt tại phiên tòa nếu người khởi kiện có yêu cầu hay không? Theo tôi, khi người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa là họ đã tự từ bỏ quyền được chứng minh tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định, hành vi hành chính bị khởi kiện. Pháp luật tố tụng hành chính không thể biến quyền này trở thành nghĩa vụ của người bị kiện nên chúng ta không thể bắt buộc người bị kiện phải có mặt. Tuy nhiên, với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước, người bị kiện (hoặc người đại diện) cần có mặt tại phiên tòa để trực tiếp trình bày, làm rõ các vấn đề liên quan. Sự có mặt này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của chủ thể quản lý đối với người khởi kiện mà còn giúp người khởi kiện hiểu rõ nội dung tranh chấp, tạo niềm tin, sự thuyết phục của người dân đối với hoạt động quản lý nhà nước. ThS NGUYỄN HOÀNG YẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM |