“Vừa rồi, tôi quá tin lời hứa của ủy ban, đồng thời cũng do nghĩ cạn nên rút đơn khởi kiện. Giờ kiện lại thì không thể được do hết thời hiệu. Đất của tôi giờ làm sao mà đòi đây…” - ông Lý Văn Cường (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) than thở.
Tự dưng mất đất
Ông Cường kể năm 1988 mẹ ông bán cho một người hơn 40.000 m2 đất. Gần 20 năm sau, ông mua lại được mảnh đất của tổ tiên nhưng vì thiếu tiền nên chưa thể làm thủ tục sang tên. Mấy năm trước, bỗng dưng ông Nguyễn Chí Hùng bao chiếm của ông gần 15 công đất nên ông làm đơn gửi huyện nhờ hỗ trợ đòi lại. Năm 2010, huyện ra Quyết định 06 bác đơn của ông, đồng thời xác định phần đất mà hai ông tranh chấp là đất công, buộc phải giao trả lại cho Nhà nước.
Thấy mình bị thiệt thòi, ông Cường khiếu nại lên UBND tỉnh. Ngày 7-1-2011, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ra Quyết định số 01 bác khiếu nại của ông Cường. Đến lúc này thì ông Cường phải đưa vụ việc ra tòa bằng cách kiện hủy Quyết định 01 của tỉnh.
Xử sơ thẩm tháng 2-2012, TAND tỉnh bác yêu cầu đòi lại toàn bộ đất của ông Cường. Hai tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm nhận định ông Cường chỉ kiện Quyết định 01 nhưng theo quy định thì đây không phải là đối tượng khởi kiện. Lẽ ra khi nhận được đơn kiện, tòa tỉnh phải trả đơn kiện và hướng dẫn ông Cường khởi kiện Quyết định 06 tại tòa cấp huyện. Từ đó tòa quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, đình chỉ xét xử vụ án.
Ông Cường khổ sở vì lỡ rút đơn kiện ủy ban, giờ muốn kiện lại cũng không được do hết thời hiệu. Ảnh: LT
Kiện tiếp không được
Trước tình thế này, ông Cường lại phải về TAND thị xã Vĩnh Châu khởi kiện lại Quyết định 06. Ngày 21-7, bên đi kiện và bên bị kiện gặp nhau tại tòa để tìm hướng xử lý. Đại diện người bị kiện đề xuất: “Quyết định 06 xác định phần đất hai ông tranh chấp là đất công nhưng sau này nếu ông Cường có đủ giấy tờ chứng minh thì ủy ban sẽ xem xét cấp cho ông sử dụng. Ông sẽ tham mưu và trình ủy ban xem xét lại Quyết định 06 vì chưa có cơ sở vững chắc...”.
Ông Cường nghĩ bụng: Ủy ban đã hứa vậy chẳng lẽ họ lại đi lừa mình sao! Thế là ông ký tên rút đơn kiện. Hôm sau ông nhận được quyết định đình chỉ với lý do: “Người khởi kiện đã rút đơn kiện”.
Từ ngày đó đến nay phía ủy ban cũng không có động thái gì. Ông Cường quay lại tòa để kiện thì nơi đây bảo đã hết thời hiệu, không thể kiện lại nữa.
Ông Cường hoang mang dò hỏi khắp nơi. Có người thì cho rằng ông hoàn toàn có quyền khởi kiện lại vụ án hành chính. Việc khởi kiện lại không bị chi phối bởi thời hiệu khởi kiện là một năm (theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính).
Nhưng có người thì lắc đầu: Coi như xong rồi ông ơi, còn thời hiệu đâu mà kiện với tụng nữa. Vụ này là do ông thiếu hiểu luật nên tự mình đánh mất đi quyền lợi. Ông ráng chịu đi!
“Giờ thì tôi không biết phải làm sao. Kiện ủy ban không được, đòi đất cũng không xong. Không lẽ tôi mất hết…” - ông Cường nói như khóc.
Khiếu nại giám đốc thẩm vì không tự nguyện rút đơn Đây là một trường hợp hết sức đáng tiếc. Người dân không hiểu pháp luật, lại có tâm lý dựa hết vào lời trao đổi của cán bộ phía ủy ban nên tự mình đánh mất thời hiệu khởi kiện. Theo quy định, khi tự rút đơn kiện, ông Cường vẫn có quyền kiện lại (theo Điều 121 Luật Tố tụng hành chính) nhưng chỉ có thể làm được điều này khi còn thời hiệu khởi kiện. Hết thời hiệu thì không thể thực hiện được quyền này nữa. Do đó kinh nghiệm rút ra là trước mỗi quy trình tố tụng, các bên phải tìm hiểu kỹ các vấn đề liên quan để hình dung ra hệ quả pháp lý của nó. Tôi cũng cho rằng người thẩm phán khi giải quyết vụ án hành chính nói riêng cũng nên hướng dẫn cho các bên về các quy định pháp luật liên quan, giúp họ hiểu pháp luật hơn, trong đó làm sao tạo ra sự an toàn cho người dân vốn là bên yếu thế. Trong vụ này, tôi cho rằng ông Cường có lý do để khiếu nại giám đốc thẩm quyết định đình chỉ và dùng chính lời hứa hẹn của phía ủy ban để làm căn cứ chứng minh việc rút đơn của mình là không tự nguyện. Rõ ràng thực tế ông Cường rút là vì có điều kiện (do ủy ban hứa hẹn). Nay điều kiện ấy không thực hiện được thì phải hủy quyết định đình chỉ tiếp tục giải quyết vụ án. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, |