Theo trang Business Insider, Mỹ đã trang bị cho Ukraine một kho tên lửa tầm xa nhưng vẫn tiếp tục đặt ra các hạn chế về việc Kiev có thể sử dụng những tên lửa này như thế nào, qua đó hạn chế khả năng tấn công vào Nga theo cách Ukraine mong muốn.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Ukraine đã chuyển sang sử dụng tên lửa diệt hạm Neptune do nước này sản xuất. Loại vũ khí này từng được dùng để đánh chìm tàu Nga.
Không thể phóng tên lửa ATACMS sang Nga, Ukraine dùng tên lửa nội địa
Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) MGM-140 do Mỹ sản xuất là một trong những vũ khí có trong kho vũ khí của Ukraine được ca ngợi nhiều nhất.
Tuy nhiên, chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cấm Ukraine bắn tên lửa này sang lãnh thổ của Nga. Ukraine chỉ có thể sử dụng tên lửa ATACMS ở những khu vực của Ukraine bị Nga kiểm soát. Do vậy, giới quan sát cho rằng điều này đã trao cho Nga một không gian an toàn.
Trước đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky bày tỏ sự thất vọng trước việc nước này tiếp tục bị cấm sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.
“Mỹ không cho phép lực lượng Ukraine sử dụng các vũ khí do nước này cung cấp hiện nay để tấn công các mục tiêu hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga trong phần lớn cuộc xung đột toàn diện cho đến nay, và Washington vẫn cấm Kiev sử dụng tên lửa ATACMS ở bất kỳ đâu tại Nga” – các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW - Mỹ) viết trong một đánh giá hôm 18-6.
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã nhiều lần chuyển sang sử dụng tên lửa diệt hạm Neptune do nước này sản xuất, sửa đổi cho mục đích tấn công đất liền, để tấn công các mục tiêu trên mặt đất bên trong lãnh thổ Nga, đặc biệt là nhắm vào các cơ sở năng lực dễ tổn thương của Moscow.
Hồi cuối tháng 5, lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa Neptune để tấn công một kho dầu gần cảng Kavkaz dọc theo Biển Đen thuộc vùng Krasnodar Krai của Nga.
Vài tuần sau, hôm 17-6, Ukraine lần nữa sử dụng tên lửa nội địa tấn công mục tiêu mặt đất, lần này là một kho dầu gần thị trấn Chushka ở vùng Krasnodar Krai.
Các nhà phân tích ISW lưu ý rằng cả hai cuộc tấn công bằng tên lửa Neptune đều xảy ra tại các khu vực thuộc lãnh thổ Nga và nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS mà Ukraine được viện trợ.
Địa điểm xảy ra hai cuộc tấn công trên cách tiền tuyến khoảng 241 km và nằm trong tầm bắn của tên lửa ATACMS tầm xa có khả năng bắn xa 305 km.
Ukraine không có nhiều lựa chọn
R-360 Neptune là tên lửa hành trình tầm xa cận âm, do Cục Thiết kế Luch – nhà sản xuất quốc phòng có trụ sở tại Kiev - phát triển. Trong quá khứ, Ukraine đã sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu giá trị cao của Nga.
Trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine đã dùng tên lửa Neptune đánh chìm tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva – soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Ukraine cũng đang nghiên cứu sửa đổi tên lửa Neptune để có thể sử dụng tấn công các mục tiêu đất liền. Theo các quan chức và báo cáo truyền thông, có những dấu hiệu cho thấy Ukraine trước đây đã sử dụng phiên bản sửa đổi của loại vũ khí này đối phó các hệ thống phòng không của Nga, trong đó có hệ thống S-400, bố trí tại bán đảo Crimea.
Tên lửa Neptune phiên bản sửa đổi là một trong những cải tiến của Ukraine trong cuộc xung đột. Việc sử dụng vũ khí này được coi là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Kiev không có nhiều lựa chọn.
Chẳng hạn, Ukraine đã chuyển sang sử dụng xuồng tự sát phát nổ để thay thế cho việc thiếu một lực lượng hải quân phù hợp; hay phát triển máy bay không người lái (UAV) tầm xa giá rẻ để tấn công các mục tiêu quân sự và năng lượng nằm sâu trong lãnh thổ Nga – những nơi Ukraine bị cấm sử dụng vũ khí do phương Tây sản xuất.