Khi bị sốt xuất huyết (SXH), người bệnh thường có các triệu chứng giống cúm như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh SXH tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh như sau: Chế độ ăn lỏng cho giai đoạn đầu khi người bệnh bị sốt cao, chế độ ăn nhẹ cho người bệnh khi cơn sốt giảm và người bệnh dần hồi phục, chế độ ăn uống bình thường trong thời gian hồi phục.
Trong thời gian mắc SXH, người bệnh thường mệt mỏi, đau người, nhức đầu, sốt cao, không cảm thấy muốn ăn bất cứ thứ gì. Người bệnh thường cảm thấy buồn nôn, nôn và cực kỳ suy nhược, lúc này chế độ ăn lỏng, mềm cần được ưu tiên.
Người bệnh SXH nên uống nhiều nước (đặc biệt là nước dừa) do khi bị sốt, cơ thể mất nước, cần uống nhiều nước để bù lượng nước mất đi. Nhấm nháp nước lọc hoặc nước oresol nhiều lần trong ngày giúp bù điện giải quan trọng. Cần lưu ý theo dõi nước tiểu màu trong hay không để bù nước kịp thời.
Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây, xoài… có tác dụng chống oxy hóa rất tốt, cho cơ thể khi hồi phục sau khi mắc bệnh.
Ngoài ra, nên ăn sữa chua có chứa các lợi khuẩn giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn tốt và xấu trong ruột. Một ngụm trà thảo mộc giàu đặc tính chống viêm và chứa chất chống oxy hóa cũng sẽ giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng, làm dịu các triệu chứng của SXH.
Người bệnh sốt xuất huyết phải thực hiện chế độ ăn giàu protein. Một bữa ăn có nhiều protein chất lượng tốt (nạc) sẽ giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng. Vì vậy, những lời khuyên không nên ăn đồ tanh như cá, trứng hay thịt gà là không có cơ sở.
Tránh thức ăn cay và nhiều dầu mỡ trong thời gian bị SXH. Nên ăn thức ăn chần hoặc luộc trong thời gian phục hồi. Không nên ăn các loại đồ ăn vặt, chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, đồ nướng...
TS-BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia