Ngày 1-12, Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP (mở rộng) tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra nghị quyết nhiệm vụ năm 2023.
|
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 1-12. Ảnh: NHẪN NAM |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh đã điểm lại những mặt làm được và những hạn chế trong năm qua.
Trong đó, về hạn chế, ông Mạnh nêu lên ba vấn đề. “Thứ nhất về cải cách hành chính, về kỷ luật công vụ, về thái độ, tác phong phục vụ của hệ thống cán bộ, công chức các cấp, các ngành của chúng ta, thấy rằng chưa ổn” – Bí thư nêu.
Ông Mạnh dẫn chỉ số PAPI (đo chất lượng dịch vụ của các cơ quan công quyền) của TP năm rồi rất thấp, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, trong đó có 7 chỉ số thành phần thấp hơn mức trung bình chung cả nước.
Theo ông Mạnh, UBND TP đã tổ chức phân tách các chỉ số ra, chia theo từng sở, từng địa phương, chỉ ra rõ sở nào là sở có chỉ số thấp, sở nào là sở đóng góp nhiều nhất cho việc kéo lùi môi trường kinh doanh đầu tư của TP. Từ đó, ông yêu cầu cần phải có biện pháp khắc phục vấn đề này.
Vấn đề thứ hai, ông Mạnh cho rằng, từ vấn đề thứ nhất dẫn đến chuyện nhiều công trình dự án của TP chưa có chuyển biến một cách đáng kể, chưa đạt tiến độ đề ra. Dẫn đến vấn đề cơ bản là giải ngân vốn đầu tư công thấp.
Một số dự án chậm như Dự án 3, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ… Nhiều dự án kế hoạch khởi công từ đầu năm nhưng cuối năm mới khởi công được như đường Vành đai phía Tây, đường 917, 918, 921, 923…
“Nguồn lực của TP dồn hết cho giao thông để tranh thủ cơ hội giao thông của vùng kết nối với giao thông của TP, phát huy vị thế của trung tâm của TP thì TP chưa làm được tốt, tiến độ chưa cao” – Bí thư Thành ủy nói.
Ba là các vấn đề liên quan đất đai. Ông Mạnh cho rằng TP đã có nhiều cuộc họp, ra nhiều nghị quyết, Ban Thường vụ đã có nhiều chỉ đạo nhưng chuyển biến trong lĩnh vực này chưa được giải quyết triệt để...
“Về cải cách hành chính, về kỷ luật công vụ, về thái độ, tác phong phục vụ của hệ thống cán bộ, công chức các cấp, các ngành của chúng ta, thấy rằng chưa ổn”
Từ các đánh giá, phân tích, Bí thư Cần Thơ nêu ra chín nhiệm vụ, yêu cầu Đảng bộ, chính quyền các cấp cần nỗ lực, phấn đấu, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.
Trong đó, về kinh tế - xã hội cần xây dựng giải pháp đồng bộ nhằm quyết liệt và sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; có cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi, đột phá để thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là thu hút đầu tư ngoài ngân sách…
Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ đạt 12,64%
Trước đó, tại hội nghị, ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022.
|
Ông Phạm Văn Hiểu - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM |
Theo đó, trong năm, Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu, chuẩn y, hiệp y bổ nhiệm, miễn nhiệm, giải quyết chính sách đối với 136 trường hợp đúng thẩm quyền. Hoàn thành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 – 2031.
Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 102 đảng viên, giảm 48 đảng viên so với năm 2021…
Về kinh tế, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,88%. GRDP bình quân đầu người đạt 83,99 triệu đồng. (Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở KH&ĐT tại hội nghị, đến ngày 30-11, Tổng cục Thống kê thông tin, tốc độ tăng GRDP của Cần Thơ là 12,64%, GRDP bình quân đầu người là 85,99 triệu).
Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn dịch bệnh COVID-19, ước năm 2022, TP đón trên 5,1 triệu lượt khách, đạt 128% kế hoạch, tăng 1,4 lần so với năm 2021. Doanh thu du lịch 4.117 tỉ đồng, đạt 121% kế hoạch, tăng 200% so với năm 2021.
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước thực hiện trên 34.300 tỉ; Ước giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2022 đến ngày 30-1-2023 thực hiện 6.136/6.359 tỉ đồng, đạt 96,49% kế hoạch…
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Một số mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy và chức danh kiêm nhiệm chưa được sơ kết, tổng kết đánh giá nhằm định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Việc thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố tiến độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Phục hồi tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực chưa đồng đều, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng thực hiện các công trình, dự án, tiến độ triển khai các khu tái định cư còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra…