‘Bị vạ lây do giúp người bị nạn, tôi vẫn làm!’

Bài viết “Thời buổi này muốn làm người tốt cũng khó” đăng trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử (PLO) ngày 25-6 nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Rất nhiều câu chuyện được kể lại từ việc “làm ơn mắc oán” do cứu giúp người bị nạn giữa đường.

Dù vậy, trao đổi với PV, không ít người chia sẻ dù gặp nhiều phiền nhiễu, họ vẫn tiếp tục và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Người tốt bị làm khó

Có lần đi làm về trên đoạn đường Láng (Hà Nội), tôi thấy một chị bị mấy thanh niên chạy xe lạng lách, tạt đầu xe nên chị té ngã. Lúc đó giữa trưa, có rất nhiều người qua lại nhưng họ vẫn làm ngơ chạy tiếp hoặc đứng bên vệ đường ngó nghiêng chứ chẳng ai ra đỡ chị. Tôi từng bị té ngã rồi, tôi biết cảm giác đau vì vết thương chỉ một phần nhưng bị mọi người bỏ lơ, không ai giúp đỡ tủi thân lắm. Thế nên tôi dừng lại giúp chị ấy. Vậy mà cũng có vài người vừa đi tới chưa hiểu chuyện gì đã giơ tay chỉ trỏ, mắng tôi. Thấy người ta té sao không giúp mà chỉ biết đứng chửi?

NGUYỄN MINH CƯỜNG (Sinh viên ĐH Y Hà Nội)

Tôi là tài xế xe du lịch. Một tối khoảng 20 giờ, có cô gái bị tai nạn giao thông máu ra nhiều lắm. Người dân chặn xe tôi, đề nghị chở nạn nhân đi cấp cứu. Khi vào bệnh viện, việc đầu tiên tôi xuất trình CMND để bảo vệ ghi vô sổ, kế tiếp họ ghi số xe. Bệnh viện không cho tôi lấy xe đi, bảo chờ công an đến giải quyết. Đến 3 giờ sáng thì công an tới lấy lời khai. Người nhà nạn nhân đến, nghĩ tôi gây tai nạn, chửi rủa tôi rất thậm tệ. May mà công an đi xác minh, tôi mới được minh oan và cho tôi lấy xe ra. Từ 20 giờ đến lúc được đi 10 giờ sáng thức trắng đêm, tôi suýt bị ăn đòn của người nhà cô gái, không nhận được một lời cám ơn.

ANH BẢY (AnhBay…@gmail.com)

Một nạn nhân bị tai nạn giao thông được người đi đường cứu giúp, đưa lên taxi đi bệnh viện trên đường Chánh Hưng, quận 8, TP.HCM.  Ảnh: HTD

Vẫn cứu giúp, không cân đo thiệt hơn

Khi còn là sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, trên đường về nhà đêm khuya, đến đoạn có công trình thi công đường cống, tôi phát hiện dưới ruộng có chiếc xe đang nổ máy và một người nằm bị đè bên dưới, cánh tay đưa lên. Một phút lưỡng lự: Chạy luôn hay dừng? Nếu có ai dừng lại thì tôi làm theo ngay nhưng giờ đó ít người đi lại, tôi lo ngại nếu dừng mà không ai hay biết, không may nạn nhân chết từ trước đó, tôi sẽ trở thành tội đồ. Chạy qua một đoạn chừng 50 m, tôi lại nghĩ nếu mình đi luôn mà người ta chết thì lương tâm không chịu được. Giúp người thì cái tâm đừng quá cân đo... Tôi quay lại, lội xuống ruộng dựng xe, kéo nạn nhân lên và đưa về nhà, rồi cũng quên luôn chuyện ấy. Sau này tình cờ gặp lại anh, anh nhận ra tôi, mừng mừng tủi tủi. Một hạnh phúc nhỏ nhoi!

NGÔ THÀNH THỊNH (Quảng Nam)

Trường hợp gặp rắc rối khi cứu giúp người tôi cũng từng bị. Luật pháp quy định: Thấy người bị nạn mà không hỗ trợ, cứu giúp sẽ bị xử lý nhưng quan trọng hơn cả là lương tâm của mình. Mình làm điều đúng và cái tâm mình cảm thấy thanh thản, vậy là được rồi. Thấy người bị nạn thì phải cứu chứ. Cứu người như cứu hỏa, đợi tìm nhân chứng đến thì có khi người ta chết rồi còn đâu.

PHẠM THỊ NGA (Quận Hoàng Mai, Hà Nội)

Cách đây khoảng một năm, gần tết, tôi giúp đưa một người bị tai nạn vào bệnh viện và nộp thay viện phí. Chỉ phiền là tôi bị công an gọi đến hai lần lấy lời khai, nhận dạng… Tết nhất bận bịu mà bị gọi suốt cũng bực, nhất là có anh công an hỏi như hỏi cung. Sau đó tôi mới được giải thích là do quy định chứ họ cũng không muốn làm khó ai. Nghe giải thích xong tôi cũng tan cơn bực. Thật ra nếu ai cũng nghĩ làm làm ơn mắc oán thì thử hỏi khi bản thân mình chẳng may gặp nạn thì sẽ ra sao. Xã hội năm bảy loại người, cũng có người này người kia nhưng tôi tin là còn nhiều người tốt lắm. Chỉ mong là có nhiều người kiên nhẫn tìm hiểu vụ việc trước khi phán tội. Công an khi đã xác định đó là người tốt thì đừng hành kiểu thẩm vấn như hỏi cung, đập bàn, to tiếng… để lòng tốt của những người tử tế không bị thui chột.

TRẦN CÔNG BÌNH (Quận Tân Bình, TP.HCM)

Dân biết tự chứng minh, công an biết mềm mỏng

Khi tiếp nhận vụ việc, công an sẽ yêu cầu nhân chứng (người cứu giúp) tới cơ quan công an để cung cấp thông tin và ghi nhận lại thông tin; sau đó cùng nhân chứng trở lại hiện trường, gặp những nhân chứng khác liên quan để xác minh người đó có phải là thủ phạm gây ra vụ tai nạn hay không, hay chỉ là người đi đường giúp đỡ. Công an có quyền được kiểm tra thông tin, giấy tờ tùy thân chẳng hạn như CMND… và giữ lại bản phôtô để khi cần cung cấp tiếp thông tin thì dễ dàng liên lạc (công an sẽ không giữ bản gốc).

Nếu nhân chứng không có giấy tờ tùy thân, công an có thể kiểm tra các giấy tờ liên quan khác như giấy phép lái xe, passport…

Trường hợp thấy tai nạn dọc đường, việc đầu tiên người dân cần làm là gọi ngay cấp cứu 115, cảnh sát 113 hoặc cơ quan công an gần nhất. Với những trường hợp nạn nhân gặp chấn thương nặng, nếu không biết sơ cứu mà di chuyển có thể khiến nạn nhân bị biến chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng, cần giữ nguyên hiện trường.

Người dân cũng có thể dùng điện thoại chụp lại hiện trường để cung cấp tư liệu hỗ trợ công an điều tra tìm ra thủ phạm, đồng thời cũng là một trong những bằng chứng bảo vệ mình. Tuyệt đối không được dùng hình ảnh này tung lên Facebook.

Về ứng xử, khi đã xác định là người giúp đỡ người bị nạn, lực lượng công an lấy lời khai cần phải có cách ứng xử mềm mỏng, khéo léo hơn. Ngành nghề nào cũng có bệnh nghề nghiệp, nhất là những ngành nghề đặc thù như ngành công an. Có những trường hợp cách hành xử thiếu khéo léo của cán bộ công an khiến người dân khó chịu, mong người dân thông cảm, không vì thế mà ngưng giúp đỡ người bị nạn. Cần có những khóa tập huấn kỹ năng mềm về cách ứng xử sao cho hình ảnh của người công an nhân dân trở nên gần gũi và thân thiện hơn, để người dân hiểu rằng việc hỗ trợ công an là cần thiết, vì mục đích chung của cả hai là đều vì bình yên, cuộc sống và tính mạng của người dân.

Trung tá LÊ MINH LÊ, Đội trưởng Đội Tổng hợp
- Công an quận 3, TP.HCM

__________________________________

Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Mức độ hành vi nặng hơn thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: hoặc từ 03 năm đến 07 năm.

(Theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015,có hiệu lực từ 1-7-2016)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm