'Thời buổi này muốn làm người tốt cũng khó'

Làm ơn mắc oán

lam-nguoi-tot-cung-kho1

Thấy tai nạn giao thông, nhiều người chỉ dám đứng nhìn. Ảnh minh họa.

Anh chia sẻ câu chuyện trên Facebook với tựa đề: “Làm ơn mắc oán”. Anh kể rằng:

“Tối qua, đang lúc vừa rời quán với các anh đồng nghiệp được 100 m thì nghe cái "uỳnh", sau đó cái "ối", ngoảnh mặt lại thì thấy hai bạn gái đi liberty màu nõn chuối, một bạn đã trong trạng thái tiếp đất bằng mặt, máu me be bét, bất tỉnh. Người còn lại ngồi khóc và liên tục hét lên "bạn em chết rồi".

Lúc này đường rất vắng, chỉ có xe mình với một xe đi phía trước nhưng họ không dừng mà đi luôn. Mình quay lại bảo với cô gái gọi điện cho người thân đi nhưng bạn ấy không nhớ số, người thì nồng nặc mùi bia rượu (sau này mới biết là hai người vừa đi bar về). Mình nói em gửi xe nhờ vào cái quán nhậu có bảo vệ kia mai quay lại lấy rồi cùng đưa bạn vào viện với anh, bạn em chưa chết đâu, em đừng sợ. Rồi mình xuống xe đỡ cái bạn tiếp đất bằng mặt hồi nãy dậy lên xe mình, kêu bạn kia ngồi sau chạy tới bệnh viện. 

Sau khi bạn bị thương được cấp cứu xong thì bạn còn lại cũng vừa hết mùi hèm. Móc cái điện thoại iPhone 6S màu hường ra bấm bấm gọi gọi. 20 phút sau một thanh niên xăm trổ hình con hổ hốt hoảng chạy vào phòng cấp cứu, chưa kịp hiểu chuyện gì ổng lại trước mặt mình nói: "Mày đi kiểu *** gì mà làm bồ tao bị vậy hả thằng kia", rồi phối hợp nhịp nhàng với câu chửi ảnh giơ cánh tay hình mãnh hổ đấm trực diện vô mặt mình mà không để mình nói câu nào, tiếp tục liên hoàn cước và vài đường quyền. Cảm thấy thật choáng váng cùng với nhiều người khác.

May sao một số người ở phòng cấp cứu can ngăn kịp thời, nếu không thì phòng cấp cứu có thêm việc để làm. Sau khi bình tĩnh rồi, mình nói với ảnh là em chỉ là người đi đường, thấy bạn anh bị té em đưa giúp vô đây thôi. Nãy em thanh toán viện phí có biên lai đây, giờ anh trả lại cho em để em về chớ đau chịu hết nổi rồi. Một không gian thật tĩnh mịch bao trùm cả khu vực vừa xảy ra một cuộc hỗn loạn. Bài học kinh nghiệm từ việc làm ơn mắc oán!”.

Xin đừng để lòng tốt trở thành “động vật quý hiếm”

Lại có lần ông bạn tôi đưa người bị tai nạn vào, nộp tiền viện phí xong còn bị bơ luôn vì “nhà nghèo quá, không có tiền trả lại”.

Con người đang dần vô cảm?

Rồi đâu đó có lần, người ta kể chuyện nhặt được chiếc ví đã bị thằng trộm cắp, cướp giật lấy hết sạch tiền, vứt giấy tờ bên vệ đường. Ông gọi điện thoại cho người ta tới nhận, không được lời cảm ơn còn bị tra hỏi “có phải mày là thằng ăn cắp đó”, hỏi không được thì quỳ thụp xuống nài nỉ “bác có lấy cho em xin lại” làm ông đến xấu hổ với người xung quanh.

Lên mạng ngày nay, thấy người khác bị đánh, bị tai nạn, những người xung quanh chỉ đứng nhìn, quay clip, thậm chí bỏ đi luôn, chúng ta thường chỉ trích “sao người ta vô tâm, lạnh lùng” đến vậy. Nhưng chỉ người từng trải qua mới biết, làm “Lục Vân Tiên” ngày nay khó đến thế nào.

Cuộc sống hiện đại bon chen, khắc nghiệt hơn, người ta cũng dễ dàng nghi ngờ nhau hơn. Đến “Làm từ thiện để làm gì” người ta còn hỏi được kia mà.

Nói như vậy không có nghĩa là vì sợ bị nghi ngờ mà thôi giúp người. Nhưng tôi sợ, khi bị nghi ngờ, bị đánh đập, xúc phạm quá nhiều, những người tốt cũng sẽ dần chùn tay, chùn bước. Họ sẽ trở nên vô cảm với nỗi đau của đồng loại.

Đã giúp người bị nạn vào viện còn bị người thân họ đánh te tua, còn ai dám giúp?

Đã dừng lại nhặt ví, gọi điện cho người mất qua lấy còn bị vu “thằng ăn cắp, ăn trộm, tống tiền” còn ai dám nhặt giùm?

Có khó gì đâu một vài câu nói, câu hỏi cho thêm cặn kẽ, khó gì đâu câu “xin lỗi”, “cảm ơn”.  

Xin đừng để lòng tốt trở thành “động vật quý hiếm”!

Chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn An Chất:

Không phải đến bây giờ mới có chuyện “làm ơn mắc oán”. Từ xa xưa, 4.000 năm lịch sử ông cha ta đã đúc kết vấn đề này trong câu nói “làm phúc phải tội”. Sự tử tế bị bào mòn bởi toan tính của con người trong xã hội hiện đại. Bởi vậy, không khó hiểu tại sao ngày nay lòng tốt cũng bị nghi ngờ.

Vấn đề ở đây là cả hai: Người giúp và người được giúp (người nhà) đều thiếu kỹ năng. Chẳng hạn, người giúp đỡ đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông vào viện, trước khi chở đi, anh cần phải có nhân chứng. Khi nhặt được ví có giấy tờ, anh có thể đến nộp cho công an phường, trình bày rõ câu chuyện và nhờ công an trả lại cho người bị mất. Vì chỉ cần sơ suất tự mình đi trả chẳng hạn, người bị mất ví sẽ nghi ngờ “đã trộm ví tiền, còn lấy giấy tờ đòi tiền chuộc”.

Về phía nạn nhân và người nhà nạn nhân cần có kiến thức ứng xử khéo léo. Không loại trừ khả năng người gây ra tai nạn đưa người nhà mình vào bệnh viện nhưng ít nhất anh ta cũng là người tử tế, không bỏ chạy như những kẻ khác. Tính mạng con người là quan trọng nhất, gia đình có thể xin số liên lạc: Chứng minh thư, số điện thoại, địa chỉ để tìm hiểu thêm sau này. Lo cho người nhà, nổi nóng thì có thể thông cảm nhưng đánh người là sai, là vi phạm pháp luật.

Để “người dân làm phúc không phải tội” thì ngay khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng (công an, cảnh sát giao thông…) cần xử lý nhanh, thấu đáo, không nên thờ ơ với vất cứ nguồn thông tin nào. Chính quyền xử lý công bằng, nghiêm minh, không nhũng nhiễu, nhiêu khê thì việc người dân xử nhau theo “luật rừng” trước đó sẽ bớt đi rất nhiều. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.