Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi, không còn ai ruột thịt.
Hiện tại tôi không có việc làm và đang rất bế tắc về thủ tục làm CMND. Nghe kể lại lúc mới sinh tôi ra, ba mẹ đã bỏ tôi cho bác hàng xóm nuôi vì lúc đó ba mẹ rất nghèo. Tôi ở với người bác đó cho đến năm 8 tuổi. Một ngày, gia đình bác nói với tôi rằng muốn dẫn tôi lên thành phố chơi thăm bà con. Thế nhưng, bác đã dẫn tôi đem bỏ trước cửa Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM rồi đi mất.
Bắt đầu từ đó, tôi đi bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ khoảng một năm. May mắn thay, tôi được một người tốt bụng đưa về nhà nuôi nhưng gia đình này cũng quá khó khăn nên cuối cùng gửi tôi vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP. Sống ở trung tâm gần một năm, tôi được chuyển về mái ấm quận 8 (trực thuộc Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP). Ở đây, tôi được cho đi học văn hóa, học nghề. Năm lên lớp 8, vì yêu thích công nghệ thông tin nên tôi chủ động xin thầy phụ trách mái ấm cho nghỉ học văn hóa để chuyên tâm học vi tính.
Năm 2008, tôi đã học xong nghề vi tính, cũng tìm được việc làm và do đã hết tuổi được sống tại mái ấm (mái ấm chỉ cưu mang trẻ dưới 16 tuổi) nên tôi rời đi. Điều đáng nói là tôi đi làm hay học nghề ở đâu thì phải có thầy ở mái ấm làm giấy bảo lãnh do tôi không có CMND. Muốn làm được CMND phải có hộ khẩu, nhưng tôi không có hộ khẩu. Tôi phải thay đổi chỗ làm liên tục vì chỉ làm chừng 1-2 tháng là người ta yêu cầu phải nộp hồ sơ, giấy tờ tùy thân. Cũng vì không có CMND nên tôi không thể ký hợp đồng lao động.
Đến năm 2011, một người quen đồng ý cho tôi nhập hộ khẩu. Trong số các thủ tục, tôi thiếu giấy xác nhận của công an khu vực nơi tôi tạm trú trong ba năm, từ ngày rời khỏi mái ấm quận 8. Phải nói thật là trong ba năm đó, tôi không có giấy tờ lận lưng, phải chuyển chỗ ở, chỗ làm liên tục, giờ yêu cầu xác nhận, tôi biết xác nhận ở đâu? Tôi rời mái ấm chỉ có mỗi giấy khai sinh (cũng do thầy trong mái ấm đứng ra làm cho tôi) nên tôi ra công an phường họ không chứng giấy tạm trú.
Từ đó đến nay, tôi phải sống bữa cơm bữa cháo qua ngày, phải nương tựa hết người này đến người khác, không có chỗ nào cố định, không có việc làm ổn định, không người thân thích. Nhiều bữa bụng đói mà trong túi không có một đồng, phải dằn lòng lắm mới không làm bậy. Tôi thầm nghĩ không lẽ muốn làm một người tốt, được xã hội công nhận, được sống bằng sức lao động của mình khó đến thế sao? Rất may cho đến giờ phút này, tôi tự hào mình vẫn là người lương thiện. Nhưng không biết tôi còn có thể giữ mình được đến bao giờ, khi mà mọi cánh cửa dường như đều đóng lại trước mắt tôi?
--------------
Muốn giúp em Giang nhưng khó quá
Thầy Nguyễn Trí Linh (chủ nhiệm mái ấm quận 8, TP.HCM):
Về trường hợp của Phan Hoàng Giang, để giúp em làm giấy CMND, đích thân tôi đã đưa Giang về tổ 7, ấp Đức Phú, xã Phú Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre để tìm lại người đã nuôi dưỡng Giang cũng như lần tìm manh mối về cha mẹ Giang. Tuy nhiên, không may là suốt thời gian nuôi dưỡng Giang từ nhỏ cho tới năm 8 tuổi, người này không làm bất cứ giấy tờ gì để xác nhận Giang là con nuôi. Người này cũng không nhớ thông tin gì về ba mẹ Giang nên việc tìm lại ba mẹ cho em gần như bế tắc. Về phía mái ấm, chúng tôi chỉ có thể xác nhận tạm trú cho Giang từ lúc vào sống trong mái ấm cho đến khi rời khỏi mái ấm (năm 2008). Hiện nay có hai em sống ở mái ấm đã hoàn tất thủ tục xin cấp CMND vì đã nhập được vào hộ khẩu tập thể tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP. Riêng trường hợp của Giang thì không thể nhập vào hộ khẩu tập thể do Giang không còn là thành viên của mái ấm. Đây cũng là một điều rất đáng tiếc vì thời điểm Giang rời mái ấm, việc nhập hộ khẩu tập thể còn rất nhiều khó khăn nên chưa thể thực hiện được.
Cô Lê Thị Thúy (phó giám đốc Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM):
Trường hợp của em Phan Hoàng Giang, phòng chăm sóc trẻ em thuộc Sở LĐ-TB&XH đã chuyển sang đây và chúng tôi cũng đã trả lời là rất khó. Theo quy định của Sở Tư pháp, chỉ những em còn sinh sống tại trung tâm, thuộc diện quản lý của trung tâm, có danh sách cụ thể thì mới được nhập hộ khẩu tập thể. Việc làm giấy tờ tùy thân phải có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp, UBND cấp quận, phường, công an cấp quận, phường... chứ một mình trung tâm chúng tôi không thể làm được, dù rất muốn giúp các em có đầy đủ giấy tờ tùy thân. Những trường hợp như em Phan Hoàng Giang thực tế còn rất nhiều, lên đến hàng trăm người. Những em còn ở tại trung tâm, quá trình làm giấy tờ tùy thân cũng gặp rất nhiều khó khăn, phải cả năm trời mới xong do phải đi xác minh, rà soát rất nhiều nơi. Trung tâm cũng không thể làm thủ tục tiếp nhận em Phan Hoàng Giang trở lại trung tâm để em được nhập hộ khẩu tập thể, vì hiện tại Giang đã 23 tuổi - quá tuổi được tiếp nhận vào trung tâm theo quy định.
(ghi theo lời kể của anh Phan Hoàng Giang)
Cần làm trước thủ tục đăng ký thường trú Để được đăng ký thường trú (ĐKTT) tại tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc trung ương nói chung hay TP.HCM nói riêng thì trước hết anh Giang cần chứng minh được có chỗ ở hợp pháp thông qua việc thuê, mượn hay ở nhờ chỗ ở của người nào đó và chỗ ở đó phải đáp ứng quy định về chỗ ở hợp pháp. Song song đó, anh Giang cần nhờ, thuyết phục để người cho anh thuê, mượn, ở nhờ nhà đồng ý cho anh ĐKTT tại đó. Để có thể được ĐKTT tại TP.HCM, anh Giang còn cần đến công an xã, phường hay thị trấn nơi trước đây mình đã tạm trú liên tục từ một năm trở lên để đề nghị nơi đây cung cấp giấy tờ chứng minh việc tạm trú của anh theo quy định tại khoản 3 điều 7 nghị định 107/2007/NĐ-CP ngày 25-6-2007 của Chính phủ. Trong khi làm việc này, anh có thể nhờ Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP, mái ấm quận 8 trợ giúp, nhờ công an những nơi đó và Phòng quản lý hành chính và trật tự xã hội Công an TP.HCM hướng dẫn chi tiết cho anh. Còn trong trường hợp không thể có được giấy tờ xác nhận anh đã tạm trú liên tục tại TP.HCM từ một năm trở lên thì sau khi anh tìm được chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú (có đăng ký) từ một năm trở lên, anh có thể làm thủ tục ĐKTT. Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM |
Theo MAI HƯƠNG (TTO)