Trung Quốc đang tìm mọi cách điều khiển các tuyến thông tin trên không gian mạng về Biển Đông thông qua việc phát tán hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp. Nhưng cho dù cố len lỏi đến đâu, “quyền lực mềm” của Trung Quốc vẫn không thể qua mặt được cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu phi pháp của mình.
GS Joseph Nye (ĐH Havard, Mỹ), cha đẻ của học thuyết “quyền lực mềm” (soft power), trong một lần đến thăm Việt Nam khoảng hơn chục năm trước có phát biểu rằng quốc gia nào “kể được câu chuyện của mình” một cách hấp dẫn, khiến thế giới tin tưởng thì quốc gia ấy sẽ chiến thắng. Quan sát cách mà Trung Quốc (TQ) đã và đang thực hiện, có vẻ như quốc gia này đang tìm cách “kể câu chuyện Biển Đông theo cách của mình” hòng đạt được ý đồ phi lýcủa họ…
Vào cuối những năm 1990, GS Joseph Nye diễn giải rằng: Một quốc gia có được quyền lực mềm khi họ tạo ra được sức hấp dẫn từ nền văn hóa và ý thức hệ chứ không phải từ sự cưỡng ép. Quyền lực mềm thực chất được tạo dựng từ nhiều nhân tố: Sự tương đồng về quan điểm, giá trị của các quốc gia; sức hấp dẫn của nền văn hóa; các chính sách bao gồm cả đối nội và đối ngoại hợp lý, hợp pháp, nhân văn…
Trong quyển sách kinh điển “The Future Of Power” được xuất bản năm 2011, GS Joseph Nye đã đưa ra các dự báo về “tương lai của quyền lực” trong quan hệ quốc tế. Nếu như trước đây, các quốc gia có quyền lực đều là những nước kiểm soát các tuyến đường biển thì theo Nye, hiện nay và tương lai, quyền lực đến từ việc điều khiển các “tuyến thông tin” trên không gian mạng và kiểm soát những “câu chuyện” có thể ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Hãy soi chiếu câu chuyện bản đồ đường lưỡi bò của TQ dưới “học thuyết” này của Nye. Thứ nhất, không còn nghi ngờ gì nữa, TQ đang nỗ lực xây dựng sức mạnh để làm bá chủ Biển Đông và khu vực. Ngoài nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Bắc Kinh đã và đang xây dựng một lực lượng quân sự có ảnh hưởng vượt khỏi khu vực Biển Đông. Đó là “cây gậy” (sức mạnh cứng) mà TQ muốn dùng để răn đe khi cần.
|
Mới đây, trong bộ phim “Flight to you” (Hướng gió mà đi)- có xuất hiện hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò”phi pháp, và chiều ngày 10/7, hai công ty Netflix và FPT đã gỡ bộ phim khỏi các nền tảng của mình. Ảnh: TTXVN |
Mặt khác, TQ không quên chăm bón “củ cà rốt” (sức mạnh mềm) thông qua nền văn hóa, các quan điểm, giá trị, các thể chế trong và ngoài nước. Việc phát tán đường lưỡi bò ở Biển Đông qua phim ảnh, sách vở, trò chơi điện tử là một ví dụ sinh động. Bắc Kinh hiểu rất rõ nếu họ vẫn đứng ngoài sân chơi Hollywood với những hãng phim đình đám, đơn cử như Dream Works, Warner Bros, Sony Pictures Studios, vốn chi phối mạnh mẽ nền điện ảnh thế giới thì “sức mạnh mềm” đối với họ là xa vời.
Thế nên ngày càng nhiều tên tuổi diễn viên là thần tượng của khán giả TQ và cả những dòng vốn đầu tư, tài trợ khổng lồ từ TQ “chảy” về phim trường Hollywood - trung tâm của nền điện ảnh thế giới. Phía sau đó, đường lưỡi bò cũng len lỏi ngày càng tinh vi và nhiều hơn vào những thước phim tưởng chừng vẫn vô hại, từ phim viễn tưởng, hành động đến phim hoạt hình, phim tâm lý xã hội…
Giống như diễn giải của GS Joseph Nye, TQ cũng đang tìm mọi cách điều khiển các tuyến thông tin trên không gian mạng về Biển Đông thông qua việc phát tán hình ảnh đường lưỡi bò và những thông tin sai sự thật về vùng biển nhộn nhịp và đắc địa này. Bắc Kinh cũng nỗ lực kiểm soát những câu chuyện về Biển Đông, tìm cách kể lại câu chuyện mà họ tưởng tượng ra để gây ảnh hưởng đến công chúng quốc tế… Tất cả phục vụ cho mục đích xây dựng, nắm giữ và thực thi quyền lực.
Thế nhưng, TQ đừng hòng đạt được mục tiêu ấy! Bởi câu chuyện do TQ kể ra không dựa vào luật chơi chung của quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982... Việc TQ cài cắm đường lưỡi bò phi pháp vào các văn hóa phẩm đến lúc này gặp phải sự phản đối hơn là ủng hộ, sự quay lưng hơn là đồng hành. Và gần như không ai, không nước nào tin vào những câu chuyện do TQ cố tình “sáng tác” và “phát tán” về đường lưỡi bò.
GS Joseph Nye đã “nhắc nhở” rằng: Một quốc gia dù là cường quốc số một thế giới cũng không thể đạt được điều mình mong muốn nếu các nước khác không giúp đỡ, đồng tình. Có lẽ TQ cần hết sức lưu ý tới điều này, nhất là khi nói về câu chuyện Biển Đông/đường lưỡi bò phi pháp của mình.