​Biến nơi đầy rác thành công viên, đường hoa

Sau hai năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, mỹ quan đô thị của TP nói chung và của từng địa phương nói riêng đã có sự thay đổi rõ rệt.
Rất nhiều công viên, khu vui chơi, đường hoa… được tạo ra từ những điểm nóng về tập kết rác.
Không để đất trống thành nơi đổ rác
Tại phường Phú Thuận, quận 7, người dân cùng với chính quyền địa phương nơi đây trong thời gian thực hiện Chỉ thị 19 đã rất tích cực hưởng ứng, triển khai thực hiện cải tạo cảnh quan môi trường.
Bãi đất trống tại khu phố 2 ở vị trí mũi tàu khu dân cư Nam Long trước đây từng là nỗi ám ảnh của người dân trong khu vực vì nơi đây ngập ngụa rác.
Theo người dân ở đây, được biết cứ mỗi mùa mưa đến, địa điểm này thường xuyên bị ngập, rác thải trôi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối.

Công viên Savimex tại phường Phú Thuận, quận 7 trở thành khu vui chơi, tập thể dục thu hút rất nhiều người dân trong khu vực. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ông Nguyễn Văn Ý ở khu phố 2, phường Phú Thuận chia sẻ: “Chỉ người dân sống ở đây mới biết trước đây tại khu vực này phần đất trống chỗ mũi tàu và rạch Bà Bướm là hai địa điểm ô nhiễm nhất. Rác thải, dòng nước tại rạch không được lưu thông, cứ đến mùa mưa là bốc mùi rất kinh”.
Sau khi được tuyên truyền Chỉ thị 19, người dân tại khu phố 2 đã cùng nhau chung sức làm sạch điểm đen về rác này. Sau đó, họ cùng lắp đặt các thiết bị tập thể dục, ghế đá… Kết quả là từ bãi rác nơi đây đã trở thành công viên công cộng.
Tương tự, khu đất trống trong khu dân cư Tạ Thị Ngọc Thảo, khu phố 4, phường Phú Thuận trước đây cũng là nơi tập kết rác thải. Tuy nhiên, hiện nay tại khu này đã là công viên có gắn các dụng cụ tập thể dục, vui chơi.
Gần đó, khu đất trống tại khu dân cư Savimex, khu phố 3 trước kia ngập rác giờ đây đã trở thành sân chơi, công viên, nơi tập thể dục của trẻ em và người dân nơi đây.

Dân đóng góp để làm xanh, sạch 

Hầu hết các điểm xanh sạch thay thế cho các điểm đen về rác trên địa bàn phường đều từ sức dân đóng góp chứ ngân sách của phường không thể nào đủ để thực hiện. Người dân thấy môi trường sống xung quanh sạch đẹp lên thì họ cùng nhau cải tạo, giữ gìn.

Để duy trì các điểm xanh này, phường giao cho tổ dân phố nhắc nhở, không cho tái diễn cảnh đổ rác. Ngoài ra, phường cũng gắn camera ở các điểm này để giám sát, xử lý những người đổ rác không đúng nơi quy định.

Ông Ngô Trọng XuyênPhó Chủ tịch UBND phường 14, quận Gò Vấp 

Từ bãi đất đầy rác ở phường Tân Sơn Nhì nay đã là khu vui chơi 
lý tưởng cho người dân. Ảnh: VÕ HÀ

Người dân, chính quyền cùng duy trì mảng xanh
Nói về kết quả sau hai năm thực hiện Chỉ thị 19, ông Bùi Hữu Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thuận, quận 7, cho biết trong suốt quá trình thực hiện đến nay bộ mặt của các khu phố trên địa bàn phường đã có những thay đổi rõ rệt. Các điểm đen về rác dần được xóa bỏ, cảnh quan môi trường trong sạch hơn.
“Đặc biệt là mô hình cải tạo biến các khu đất trống, điểm đen về xả thải rác thành công viên đã mang lại kết quả cao. Đây là một trong những giải pháp hay và dễ thực hiện. Nếu mình chỉ xóa điểm đen về rác thì chưa đủ mà cần nghĩ đến giải pháp mang tính lâu dài. Chính vì vậy, người dân, chính quyền UBND phường ngoài việc cải tạo thành công viên còn cho lắp thêm các dụng cụ tập thể dục với mong muốn thu hút người dân tới đây vui chơi, tập thể dục. Có như vậy thì nạn xả rác mới giảm” - ông Trung chia sẻ.

Con đường hoa đi xuyên qua cánh đồng của một người dân tại 
xã Quy Đức, Bình Chánh thu hút nhiều người tới chụp ảnh. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Không chỉ có tại phường Phú Thuận, quận 7 mà tại các địa phương khác giải pháp cải tạo những điểm đen về rác thành công viên cũng được áp dụng.
Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn qua phường 14, quận Gò Vấp) trước đây đầy rác. Sau khi phường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 19, dọc tuyến kênh không còn xuất hiện cảnh các đống rác nhếch nhác nữa. Người dân và chính quyền đã cùng chung tay làm nên một công viên ven kênh sạch, đẹp.

Hàng loạt công viên mọc lên từ bãi rác

- Quận Tân Phú: Khu đất công đối diện Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì trên đường Đặng Thế Phong, khu phố 7, phường Tân Sơn Nhì nhiều năm trước là một điểm đen về tình trạng rác thải.

Năm 2019, phường Tân Sơn Nhì đã thực hiện công trình “Biến bãi rác thành công viên” trên phần đất trên.

- Huyện Bình Chánh: Năm 2020, huyện đã xóa 43/43 điểm đen ô nhiễm rác thải, đạt tỉ lệ 100%, trong đó đã chuyển hóa 12 điểm đen về rác thành bồn hoa, công viên nhỏ.

Hai con đường 4B và 4C của xã Đa Phước trước đây là đường đất chưa rải nhựa, hai bên đường cây cỏ mọc um tùm, rác thải tràn ngập trên đường.

Năm 2020, chính quyền địa phương hỗ trợ phân bón để trồng hoa. Đường sạch, hoa đẹp, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi nữa.

Nhiều con hẻm nhỏ và tuyến đường khác tại xã này cũng trồng hoa mười giờ đẹp mắt.

- TP Thủ Đức: Phường Trường Thọ trước đây có một khu đất trống tại đường số 2 thường xuyên bị nhiều người đem rác ra đổ lén khiến nơi đây thành bãi rác tự phát.

UBND phường Trường Thọ đã vận động người dân, doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng, biến bãi rác này thành công viên sạch đẹp.

Từ ngày có công viên, người dân có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm