Các quan chức y tế của Canada đang thực hiện các biện pháp chưa từng có về việc sử dụng thuốc giảm đau. Số người chết do lạm dụng thuốc giảm đau ở nước này đang tăng lên một cách báo động, buộc nước này phải có những biện pháp mạnh tay hơn về loại thuốc này, bao gồm cả việc dán nhãn cảnh báo sử dụng thuốc như việc dán nhãn cảnh báo ung thư phổi khi sử dụng thuốc lá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, bà Jane Philpott, đã nói với Reuters rằng tháng tới nước này sẽ có kế hoạch công bố chi tiết về việc dán nhãn cảnh báo cho các loại thuốc. Các nhãn này có ghi cảnh báo đối với những người sử dụng thuốc giảm đau loại opioid có thể gây nghiện và quá liều. Trong tháng ba này, một ban cố vấn sẽ được thành lập để có biện pháp chính thức đối với thuốc giảm đau opioid.
Việc dán nhãn cảnh báo đối với thuốc giảm đau opioid được coi như bước đầu cho việc hạn chế số người tử vong do lạm dụng các loại thuốc phiện kê toa. Ngoài opioid còn có oxycontin và một số thuốc khác.
Hình minh họa.
Số người tử vong do dùng thuốc quá liều hoặc lạm dụng thuốc giảm đau đã tăng vọt. Ở tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario, số người tử vong thuốc opioid đã tăng lên 40% trong sáu năm. Tại Saskatchewan, tỉ lệ tử vong do thuốc giảm đau đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010. Đáng báo động hơn, một dòng biến thể khác của thuốc giảm đau Fentanyl được ghi nhận sử dụng nhiều nhất ở tỉnh British Columbia khiến số người chết do loại thuốc này tăng 80% lên con số 914.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Canada, cuộc chiến chống lạm dụng thuốc giảm đau opioid là cuộc khủng hoảng y tế công cộng lớn nhất mà nước này đang trải qua. Các quan chức đang tìm mọi cách để hạn chế việc lạm dụng này. Bộ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về việc hiện tượng kê toa có thuốc giảm đau ngày càng tăng vượt ngoài kiểm soát. “Chúng tôi cần phải biết được sự thật đằng sau để có giải pháp cấp bách” - vị này cho hay.
Đa số công ty dược cho biết họ ủng hộ với các biện pháp để tăng sự an toàn khi sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, một số công ty hiện chưa có thông tin phản hồi về điều này. Còn các bác sĩ và chuyên gia y tế lại nói rằng tuy đề xuất này hay nhưng có vẻ như đã quá muộn so với thực tế hiện nay. Họ cho rằng lẽ ra việc dán nhãn này phải được thực hiện từ năm 2006 hoặc 2007.
Hiện tại, các quan chức chưa tiết lộ thời điểm quyết định chính thức đối với việc dán nhãn thuốc giảm đau. Trước mắt, các quan chức sẽ ghi nhận và tham khảo ý kiến của người dân Canada trước khi Bộ trưởng Philpott đưa ra quyết định.
Ngoài ra, việc dán nhãn này còn đặt ra câu hỏi liệu điều đó có thể làm sụt giảm doanh thu của các công ty dược do ít người sử dụng thuốc lại hay doanh thu vẫn cứ tiếp tục tăng. Được biết ngành sản xuất dược ở Canada là ngành sản xuất béo bở, đóng góp đến 881 triệu USD vào GDP nước này mỗi năm.