Ngày 6-10, Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) diễn ra tại thủ đô Prague (CH Czech), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo từ 44 quốc gia châu Âu.
Dưới đây là một số thông tin về khuôn khổ EPC, theo hãng tin Reuters.
Ý tưởng đằng sau EPC
EPC là một sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông coi đây là cơ hội để đối thoại trên cơ sở bình đẳng giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước không phải thành viên về các vấn đề mà châu Âu đang đương đầu.
EPC bao gồm 27 nước EU, những quốc gia đang chờ gia nhập EU và cả quốc gia đã rời khỏi khối là Anh. Hội nghị không có sự tham gia của Nga.
Mục tiêu chính là để kết nối EU với các ứng viên đang mất kiên nhẫn trong việc chờ đợi gia nhập khối và để giữ chân Anh ở trong một diễn đàn khác của châu Âu trong thời hậu Brexit.
Hội nghị khai mạc Cộng đồng Chính trị Châu Âu (EPC) tại Lâu đài Praha ở thủ đô Praha, (CH Séc) ngày 6-10. Ảnh: REUTERS |
Những vấn đề mà EPC sẽ giải quyết
Cuộc họp tại Prague sẽ thảo luận về các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh, và các cuộc khủng hoảng về năng lượng, khí hậu, kinh tế, nhập cư mà châu Âu đang đối mặt.
Ông Josep Borrell - Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh nói: “Cuộc họp này là một cách để tìm kiếm một trật tự mới không có Nga”.
Dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, sẽ không có thông cáo chính thức nào sau hội nghị.
Cách thức hoạt động của EPC
EPC chỉ mới ở giai đoạn sơ khai, chưa có các nguyên tắc cụ thể.
Trước khi hội nghị bắt đầu, ông Borrell đã nêu lên sự cần thiết trong việc xác định cơ sở lý luận, các thành viên của EPC, mối quan hệ của EPC với EU, cách EPC đưa ra quyết định và liệu khuôn khổ này có cần ngân sách riêng hay không.
Hội nghị đầu tiên của EPC do EU tổ chức. Các quan chức EU đã cảnh báo rằng nếu EU tiếp tục dẫn đầu thì EPC sẽ giống như một nhánh của khối. Ngược lại, nhiều người cho rằng nếu EU không lãnh đạo thì quá trình làm việc của EPC sẽ khá khó khăn.
Nhiều người hoài nghi rằng quy mô quá lớn của EPC sẽ là một trở ngại lớn trong việc đưa ra chính sách cụ thể. Một số quốc gia trong EPC chẳng hạn như Azerbaijan và Armenia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là những đối thủ truyền thống.
Theo Reuters, sự đa dạng quá mức về văn hóa và chính trị khiến EPC khó có thể đạt được sự thống nhất.
Kế hoạch về các hội nghị tiếp theo
Theo kế hoạch dự kiến, các hội nghị của EPC sẽ được tổ chức mỗi năm hai lần và nhiều người mong đợi Moldova hoặc Anh sẽ đăng cai các hội nghị tiếp theo.
Các hội nghị trong tương lai có thể được tổ chức giữa bộ trưởng của các quốc gia thành viên chứ không chỉ giữa các nhà lãnh đạo.