Hiện nay, Bình Dương đang triển khai và thực hiện 4 dự án giao thông trọng điểm, mang tính kết nối vùng gồm: Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành và dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.
Vành đai 3 sẽ có hơn 15 km cầu cao tốc
Dự án đường vành đai 3, đoạn đi qua tỉnh Bình Dương có hai dự án gồm: Dự án thành phần 5 (xây dựng đường Vành đai 3) và thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3).
Dự án đường Vành đai 3 có điểm đầu là nút giao Tân Vạn, điểm cuối tuyến tại cầu Bình Gởi. Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 26,6 km.
Trong đó, nút giao Tân Vạn dài 2,4 km, đoạn Bình Chuẩn - sông Sài Gòn dài 8,9 km. Đoạn trùng đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 15,3 km.
Đến thời điểm này, dự án đã chi giải ngân bồi thường trên 6.752 tỉ đồng, đạt khoảng 49% tổng dự toán, giải ngân xây lắp đạt 23,15% tổng dự toán.
Đáng chú ý, chiều dài dự án đường Vành đai 3 đi qua Bình Dương có 15,3 km trùng với đường Mỹ Phước-Tân Vạn hiện hữu.
Hiện nay, đoạn đường này đang được khai thác với quy mô đường đô thị 6 làn xe. Các nút giao trên tuyến dạng giao bằng, không đảm bảo năng lực thông hành khi đường Vành đai 3 đưa vào khai thác năm 2026.
Trước đây, khi lập chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3, Bình Dương đề xuất giải quyết các nút giao bằng đoạn 15,3 km (đoạn đi trùng với đường vành đai 3) bằng dự án cải tạo, nâng cấp sử dụng nguồn vốn ODA.
Tuy nhiên, dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2027-2028 (chậm hơn so với đường vành đai 3) sẽ tạo áp lực giao thông lớn lên đường Mỹ Phước-Tân Vạn đoạn 15,3 km, nguy cơ ách tắc giao thông trên toàn tuyến.
Để giải quyết vướng mắc này, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về phương án GPMB (một bên) để xây dựng cầu cao tốc 4 làn xe trên cao đoạn 15,3 km đi trùng đường Mỹ Phước-Tân Vạn với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỉ đồng.
Khẩn trương di dời lưới điện
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 được khởi công vào giữa năm 2022. Quốc lộ 13 được mở rộng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú (TP Thuận An, giáp TP Thủ Đức) đến nút giao Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) chiều dài 12,7km, với kinh phí khoảng trên 1.300 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ mở rộng thêm 2 làn xe, từ 6 làn xe lên 8 làn xe với chiều rộng 64 mét.
Việc triển khai dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13 tiếp tục tạo ra “bộ khung kỹ thuật” để phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị, dịch vụ.
Tuyến đường này có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương.
Mặc dù, đã được đầu tư nâng cấp lên 6 làn xe cách đây hơn 20 năm nhưng nhiều năm trở lại đây, tuyến đường này đã trở nên quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm đã ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của tỉnh Bình Dương là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư.
Đến nay, công tác GPMB và thi công vẫn đang đảm bảo tiến độ. Trong đó, công tác GPMB đoạn đi qua TP Thủ Dầu Một đã bàn giao xong mặt bằng. Còn đoạn đi qua TP Thuận An công tác GPMB đạt từ 53% đến 88%.
Theo TP Thuận An, công tác GPMB còn lại địa phương dự kiến sẽ bàn giao toàn bộ trong cuối năm này.
Tuy tiến độ GPMB và thi công vẫn đang đảm bảo theo kế hoạch nhưng dự án này gặp khó khăn trong công tác di dời hệ thống lưới điện.
Theo tìm hiểu của PV, việc vướng mắc di dời lưới điện để thi công quốc lộ 13, có sự “chồng chéo” giữa quy định của nghị định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Luật Đất đai 2013.
Cụ thể, theo nghị định thì với các dự án như quốc lộ 13 tại Bình Dương, trách nhiệm di dời lưới điện là của chủ đầu tư công trình .
Còn tại quy định của Luật Đất đai thì chi phí di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật ( lưới điện, nước, cáp điện thoại…) được phê duyệt thuộc chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Để giải quyết vướng mắc này, đã có nhiều cuộc họp, văn bản từ phía UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo, phối hợp các đơn vị liên quan giải quyết nhanh, để công tác thi công của dự án này không bị đình trệ.
Theo báo cáo mới nhất, UBND TP Thuận An đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục di dời lưới điện; Đã có kết quả lựa chọn nhà thầu thi công của 2/3 gói thầu. Gói thầu còn lại dự kiến có kết quả trong tháng 7-2024.
Hiện tại, đang thi công di dời điện các đoạn giao lộ Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong và cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị.
Theo ông Võ Văn Minh-chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, hiện tại địa phương đã thống nhất với ngành điện lực là trước mắt ngân sách địa phương sẽ ứng tiền để di dời lưới điện.
Sau này khi có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trung ương, chi phí di dời lưới điện nói trên do ngành điện lực hoàn trả hoặc tính vào chi phí dự án thì sẽ thực hiện.
Ông Minh cho biết thêm, đã yêu cầu các nhà thầu thi công cắm các trụ điện dọc trên tuyến quốc lộ 13 kết hợp với cắt điện di dời phải hạn chế thời gian mất điện.
Đồng thời, phải đảm bảo tiến độ di dời lưới điện từ nay tới tháng 10-2024 nhằm sớm hoàn thành toàn bộ dự án.
Còn hai dự án quan trọng khác là Vành đai 4 và Cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Ở dự án đường Vành đai 4 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 18.247 tỉ đồng.
Đến nay, đã phê duyệt cắm cọc GPMB toàn tuyến 47,5km. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương đang phối hợp với nhà đầu tư đề xuất để tiếp nhận cọc GPMB ngoài thực địa, công bố dự án và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án GPMB.
Đối với dự án xây lắp, đã khảo sát quan tâm của nhà đầu tư và phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong cả nước.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Bình Dương điều chỉnh Nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Còn dự án cao tốc TP HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành có tổng mức đầu tư khoảng hơn 17.408 tỉ đồng, thực hiện theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Đến nay đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm cọc GPMB đạt 16,65km/45,747km. Nhà đầu tư đề xuất đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường dự án.