Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về tiến độ, khó khăn vướng mắc các dự án trọng điểm (vành đai 3, vành đai 4) ở TP.HCM và phương án giải quyết.
Cầu cứu cát cho vành đai 3
Đối với dự án vành đai 3, theo báo của Sở GTVT TP hiện có 14 gói thầu xây lắp (10 gói thầu xây lắp chính và bốn gói thầu phục vụ vận hành, khai thác). Trong đó, bốn gói thầu xây lắp chính (XL3, XL6, XL8, XL9) được khởi công tháng 6-2023, hiện nhà thầu đang thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến.
Đồng thời, thi công nền đường, xử lý nền đất yếu và đẩy nhanh tiến độ thi công bấc thấm, gia tải khi đã giải quyết cơ bản nguồn cát cho dự án. Hiện sản lượng thực hiện khoảng 1.240 tỉ đồng, đạt 17,5% giá trị xây lắp.
Sáu gói thầu chính (XL1, XL2, XL4, XL5, XL7, XL10) được triển khai thi công cuối tháng 1-2024, hiện các nhà thầu đã hoàn thành thi công thử và bắt đầu tổ chức thi công đại trà kết cấu, xử lý đất yếu đạt 5,1% giá trị xây lắp.
Sở GTVT TP đánh giá các khó khăn về nguồn liệu và biện pháp tháo gỡ cho các dự án. Cụ thể, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường thuộc dự án dự kiến khoảng 7,1 triệu m³, riêng năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m³.
Để hỗ trợ nguồn vật liệu cát đắp nền đường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ ngành, địa phương về vật liệu san lấp cho các dự án, trong đó có dự án vành đai 3.
Mặc dù, các nhà thầu đã chủ động, nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu cát đắp nền đường khác, tuy nhiên khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu.
Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tìm kiếm thêm các nguồn cát san lấp trong nước và nguồn cát từ Campuchia để đưa về công trường phục vụ thi công trong tháng 7, và các giai đoạn tiếp theo để đảm bảo tiến độ thi công.
Trước những khó khăn nêu trên, TP.HCM kiến nghị tỉnh Vĩnh Long sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác, đáp ứng tiến độ cung cấp cát cho dự án đường vành đai 3 vào cuối tháng 7-2024.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh Tiền Giang sớm hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác ba mỏ để đáp ứng tiến độ cung cấp cát cho đường vành đai 3 vào cuối tháng 8-2024. Đồng thời, bổ sung thêm bảy mỏ khác mà tỉnh đang tiến hành thủ tục cấp phép để đáp ứng tiến độ và khối lượng cung cấp cho dự án vành đai 3.
Giải quyết khó khăn cho vành đai 4
Theo Sở GTVT TP, qua quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án vành đai 4 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Thứ nhất là chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chi từ ngân sách trung ương).
Thứ hai là cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện đầu tư công dự án (cầu Thủ Biên giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu ).
Thứ ba là nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án.
Thứ tư là tỉ lệ vốn ngân sách tham gia hỗ trợ dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án.
Thứ năm là cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Đối với cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án vành đai 4, Bộ GTVT cùng UBND các tỉnh và TP.HCM đánh giá: Tổng mức đầu tư của các dự án thành phần rất lớn, qua nhiều địa phương, cần có giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Vì vậy, cần báo cáo, xin ý kiến Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và báo cáo Thủ tướng về chủ trương xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án đường vành đai 4 TP.HCM để trình Quốc hội.
Trong đó, TP.HCM đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền Thủ tướng, cơ chế chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền Quốc hội như: cơ chế về nguồn vốn; cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần,...
Cùng đó, UBND TP.HCM và các tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án được giao và hoàn thiện các thủ tục có liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trong quý III- 2024.
Theo lộ trình UBND TP.HCM chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu) lựa chọn một đơn vị tư vấn tổng thể để thực hiện rà soát, lập báo cáo đánh giá tổng thể chung cho các dự án và nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù các dự án xây dựng đường vành đai 4 trong tháng 7, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét trong tháng 8; báo cáo Thủ tướng, Quốc hội vào cuối năm 2024.