Ngày 14-4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã có báo cáo bước đầu xác định nguyên nhân chính, gây ô nhiễm tại hồ chứa nước Tân Vĩnh Hiệp và kênh Suối Chợ (Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương) là xuất phát từ Công ty cổ phần bột giặt LIX.
Bọt trắng phủ kín mặt kênh Suối Chợ, bốc mùi khó chịu. Ảnh: KD
Theo ghi nhận đến hôm nay, hồ chứa nước Tân Vĩnh Hiệp và kênh Suối Chợ nơi bị ô nhiễm, nhiều loại cá tại đây đang chết hàng loạt.
Bọt trắng cao hơn 2 mét.
Tối 8-4, tại Bình Dương xuất hiện một cơn mưa lớn, đến khuya cùng ngày người dân phát hiện kênh Suối Chợ sủi bọt trắng, bốc mùi khó chịu.
Theo ghi nhận, đoạn kênh dài vài trăm mét bị bọt trắng kết thành tảng, cao hơn 2 mét phủ trắng. Đến sáng 9-4, bọt trắng vẫn chưa tan hết, phủ kín tràn lên đến mặt đường. Sau khoảng gần một ngày số bọt này mới tan hết, nhưng vẫn bốc mùi rất khó chịu.
Nhiều người dân cho đây là hiện tượng bất thường. Ảnh: KD
Nhiều người dân sinh sống gần dòng kênh này chưa từng thấy hiện tượng như vậy. Mọi người đổ xô đến xem sự việc bất thường này.
Anh Lương Xuân H. (người dân) cho biết: “Tôi sống ở khu vực này đã lâu, nhưng chưa hề thấy dòng kênh này, có hiện tượng như vậy. Sau cơn mưa, ở trong nhà vẫn ngửi thấy mùi rất khó chịu”.
Còn theo bà Võ Thị S. (người dân), lâu nay dòng kênh này vẫn có cá, người dân thường đến đây để câu cá. Mọi người thấy nước cũng bình thường.
“Tôi thấy bọt nổi khủng khiếp quá, cũng hết hồn chạy ra xem sao. Lâu nay, thấy mọi người vẫn đi bắt cá tại dòng kênh này. Cá sống được thì chắc nước chưa bị ô nhiễm”, bà S. nói.
Hình ảnh dòng kênh Suối Chợ nổi bọt trắng, kèm theo mùi khó chịu, khiến nhiều người dân hoang mang.
Ô nhiễm vượt chuẩn 75 lần.
Nhận được phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, đã nhanh chóng xuống hiện trường ghi nhận vụ việc, lấy mẫu về phân tích. Kết quả cho thấy, nước tại khu vực này bị ô nhiễm chỉ số cao hơn nhiều lần cho phép.
Cơ quan chức năng lấy mẫu nước tại kênh Suối Chợ về phân tích. Ảnh: KD
Cụ thể, đoạn kênh Suối Chợ bị ô nhiễm chất hoạt động bề mặt và chất hữu cơ. Mức độ ô nhiễm cao nhất là từ KCN Đại Đăng và giảm dần từ phía hạ nguồn.
Chất gây ô nhiễm có hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 30,3 m/l (vượt quy chuẩn 75,7 lần), hàm lượng chất hữu cơ là 84m/l (vượt quy chuẩn 2,8 lần).
Qua điều tra xác minh, Sở Tài Nguyên và Môi trường Bình Dương xác định, nguyên nhân chính gây bọt trắng là do khoảng 500 m³ nước mưa. Nước mưa này, cuốn theo một số nguyên liệu sản xuất của Công ty cổ phần bột giặt LIX (KCN Đại Đăng, phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một), thoát ra cống thoát nước mưa.
Do nước bị ô nhiễm, nên cá đang chết hàng loại. Ảnh: KD
Ngoài ra, việc KCN Đại Đăng đã để nước mưa chảy vào hệ thống thu gom nước thải, rồi bị tràn ra ngoài cũng là một phần nguyên nhân của ô nhiễm.
Việc để hóa chất theo nước mưa tràn ra môi trường, đại diện Công ty cổ phần bột giặt LIX giải trình là do việc tập trung sản xuất chất tẩy rửa (150 tấn/ngày) và khử trùng nhằm phục vụ phòng chống dịch COVID-19. Để thuận tiện cho việc cấp nguyên liệu vào dây chuyền sản xuất nên Công ty sơ sót để nguyên liệu ngoài trời, không có mái che.
Sự cố ô nhiễm xuất phát từ công ty cổ phần bột giặt LIX. Ảnh: KD
Theo ông Ngô Quang Sự-Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường Bình Dương, đơn vị vẫn đang lấy mẫu theo dõi đánh giá chất lượng nước tại đây. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm đối với Công ty cổ phần bột giặt LIX và KCN Đại Đăng theo quy định.