Bình Thuận: Có thể bố trí cán bộ trong hoặc ngoài đơn vị sáp nhập để làm lãnh đạo

(PLO)- Việc bố trí cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể.

Tỉnh ủy Bình Thuận vừa ban hành phương án tổng thể sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.

Theo đó, thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy thì quy mô, phạm vi của một số cơ quan, đơn vị sau sáp nhập sẽ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo của đơn vị. Do đó, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác nhân sự, bố trí cán bộ để bảo đảm triển khai phương án đồng bộ, hiệu quả.

Tỉnh ủy Bình Thuận yêu cầu việc bố trí cán bộ phải thực hiện nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong đó quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới để thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.

Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.

Đồng thời, phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, của pháp luật gắn với cơ cấu và quy hoạch cấp ủy để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo phương án, Sở KH&ĐT và Sở Tài chính sẽ hợp nhất với tên gọi mới Sở Kinh tế - Tài chính.

Việc sắp xếp, bố trí đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp: Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp theo thẩm quyền.

Nhân sự được lựa chọn có thể ở trong hoặc ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó. Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu thì được sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề và được hưởng chính sách theo quy định của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy…

Quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Trung ương; bảo đảm sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp…

Việc bố trí cán bộ lãnh đạo phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, của pháp luật...

Với phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Thuận, tổ chức bộ máy các cơ quan cấp tỉnh được tinh gọn giảm 3 ban cán sự đảng; 7 đảng đoàn cấp tỉnh.

Khối các cơ quan Đảng cấp tỉnh giảm 1 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và 1 phòng trực thuộc Ban; giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tỉnh ủy (Báo Bình Thuận); cấp huyện giảm 10 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Huyện ủy.

Đối với các sở thuộc UBND tỉnh theo các phương án dự kiến sẽ giảm được 5 sở; giảm 7 phòng chuyên môn; giảm 12 đơn vị sự nghiệp thuộc sở; giảm 5 chi cục thuộc sở; tăng 1 chi cục thuộc Sở Công Thương do tiếp nhận Cục quản lý thị trường từ Bộ Công thương. Riêng tổng số phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện sau khi sắp xếp là 87 phòng; giảm 22 phòng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới