Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận vừa có công văn đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an, VKSND, TAND tỉnh và các địa phương, Đảng ủy trực thuộc, kịp thời cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện các nội dung, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TU.
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TU về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới.
Theo đó, tình trạng các nhóm đối tượng tự phát sử dụng vũ khí, hung khí và công cụ hỗ trợ để gây án còn xảy ra ở nhiều địa bàn; hoạt động của tội phạm có tổ chức chuyển hướng sang sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng (nhất là tội phạm lừa đảo, cờ bạc, tín dụng đen, mua bán trái phép ma túy,…) với quy mô và tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi.
Để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu triệt để khai thác các trang mạng xã hội và phát huy tối đa ứng dụng VNeID trong tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của phạm tội và phương thức phòng ngừa.
Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu và lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia.
Trong đó, xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia là nhiệm vụ rất quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, kiên quyết, kiên trì trong toàn lực lượng.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu công an các cơ quan, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, gắn với xử lý nghiêm các trường hợp “bảo kê”, tiếp tay cho tội phạm hoạt động.
Làm tốt công tác nắm tình hình tội phạm, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán ma túy, vũ khí,… trên không gian mạng; quản lý chặt chẽ các loại tội phạm, đặc biệt đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự hoạt động phạm tội có tổ chức, băng, nhóm tự phát, tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý tin báo, tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Tổ chức công khai theo đúng quy định của pháp luật, góp phần răn đe, cảnh tỉnh chung và nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc tự phòng ngừa.
Phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp viễn thông trong công tác phòng, chống các loại tội phạm hoạt động trên không gian mạng, nhất là loại tội phạm ứng dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Quan tâm đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng; xây dựng lộ trình đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành vững về chính trị, giỏi về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm hoạt động trên không gian mạng và các biện pháp phòng, chống phù hợp, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác.
Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh, TAND tỉnh tăng cường lãnh đạo phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra cấp tỉnh trong xử lý các tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quá trình xét xử để răn đe, phòng ngừa chung.
“Giao Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để theo dõi, chỉ đạo; tham mưu sơ kết, tổng kết việc thực hiện theo quy định” - Chỉ thị nêu.