Biết rõ đất nông nghiệp của mình được quy hoạch làm khu du lịch, hàng trăm hộ dân ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã rủ nhau xây dựng nhà trái phép để được... tăng tiền bồi thường.
Vụ việc xảy ra hồi đầu tháng 9-2007, lúc chính quyền địa phương chưa ra quyết định thu hồi đất. Để có tiền xây nhà, nhiều hộ đã thế chấp “giấy đỏ” vay tiền ngân hàng, thậm chí vay nóng bên ngoài.
Ở các dự án du lịch đã triển khai trước đó, một mét tường rào xây gạch cao 1,6 m được chính quyền bồi thường 360 ngàn đồng; một hồ nước với dung tích 10 m3 được bồi thường hơn 70 triệu đồng. Vậy là ở khu vực thôn Cây Găng, từ một khu đất trống đã mọc lên rất nhiều hồ chứa nước và chi chít tường rào chỉ trong... một đêm! Nhiều hộ ùn ùn tập kết gạch, cát, xi-măng..., kéo theo công thợ hồ “hút” chưa từng thấy. Bình thường, thợ hồ ở địa phương lãnh 70 ngàn đồng/công nhưng nếu ai chịu làm đêm sẽ được trả đến 140 ngàn đồng/công. Người dân xây dựng bát nháo, không theo quy chuẩn nào. Xi-măng được trộn vội với cát theo kiểu một muỗng xi-măng pha đến bảy, tám xẻng cát, miễn sao gắn dính gạch với nhau.
Đơn cử là hộ ông Lương Thái S., ngoài căn nhà tạm 60 m2, ông còn xây gần 300 m2 tường rào và hơn 60 hồ chứa nước uống với tổng dung tích 1.000 m3. Nhà ông có năm người, nếu bình quân một người uống hết hai lít nước mỗi ngày, gia đình ông S. phải mất hàng chục năm mới tiêu thụ hết số nước trên. Nhiều hồ tiếng là phải xây để chứa nước nhưng nhìn vào bên trong chỉ thấy toàn rắn mối, thạch sùng vào... trốn nắng.
Hệ thống tường rào dày đặc bao quanh các nhà cũng có số phận “bi thảm” tương tự. Do được xây dựng vội vã với chất lượng vôi vữa như trên nên nhiều người đã phải lấy cây... chống tường, phòng ngừa nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì mạnh ai nấy xây nên hai nhà nằm kế nhau sẽ được ngăn cách bằng một “đường hẻm” ở giữa hai tường rào. Nhiều người ở địa phương khác đi ngang qua đây đều trố mắt ngạc nhiên vì vùng nông thôn mà lại có quá nhiều đường hẻm, đường luồn.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Thành, đã có 108 trường hợp xây dựng tường rào, hồ chứa nước và 31 căn nhà trái phép. Đó là chưa kể đến hàng chục hộ xây dựng trái phép ở hai dự án du lịch Hoa Sa Mạc và An Đa Phước. Ở thôn Thạnh Mỹ gần đó, cũng có khoảng 20 hộ bắt đầu xây dựng đủ loại công trình khi nghe tin sắp bị thu hồi đất.
Đâu là trách nhiệm quản lý của UBND xã trước nạn xây dựng trái phép nêu trên? Theo xã, do nóng lòng đầu tư nên chủ đầu tư của hai dự án Hoa Sa Mạc và An Đa Phước đã vội vã đền bù các trường hợp xây dựng trái phép. Từ chỗ đó, nhiều hộ khác ở gần đó đã bắt chước làm theo để được đền bù. Việc “đổ quân” ào ạt của người dân đã khiến xã gặp nhiều khó khăn trong việc can thiệp, ngăn chặn... Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư lại cho rằng chính sự buông lỏng quản lý của xã đã làm cho tình hình trở nên bát nháo, rối rắm. Khi có hàng trăm biên bản vi phạm được lập nhưng chỉ có duy nhất một hộ đặt bút ký nhận, làm sao các nhà đầu tư đủ khả năng chi trả những khoản phát sinh vô lý nói trên.
Phía người dân thì cho biết “cớ sự” xảy ra do chính quyền chưa bố trí đất tái định cư cho những hộ bị thu hồi đất. Hàng trăm hộ dân đã không biết phải đi về đâu khi giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp. Biết rõ xây “lụi” như thế là vi phạm nhưng nhiều người vẫn làm “để có tiền mua đất, cất nhà và kiếm vốn sinh nhai ở nơi cư ngụ mới...”.
Đáng lưu ý, dù có đến 75 dự án đầu tư du lịch ở khu vực trên nhưng đến nay, số dự án bỏ tiền đầu tư chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hầu hết đều đầu tư nhỏ giọt để giữ đất. Nhiều dự án không vướng mắc gì cũng chỉ làm cầm chừng, tuy đã kiểm kê, áp giá nhưng vẫn không bồi thường kịp thời cho các hộ bị thu hồi đất.
PHƯƠNG NAM