Bộ có hướng dẫn dạy tích hợp, giáo viên vẫn rối

(PLO)- Văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy môn tích hợp dù tạo được sự chủ động cho các trường nhưng vẫn chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh nhiều trường chưa có giáo viên dạy môn học này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn kế hoạch dạy các môn tích hợp (khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý) bậc THCS sau khi nhiều nơi kêu khó trong việc thực hiện do thiếu lực lượng giáo viên (GV) được đào tạo chuyên sâu.

Dạy tích hợp được linh hoạt hơn

Cụ thể, với môn khoa học tự nhiên, phân công GV phù hợp với chuyên môn được đào tạo đảm nhận dạy từ hai mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học. Với môn lịch sử và địa lý, phân công GV phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy (theo phân môn lịch sử, địa lý và các chủ đề liên môn). Việc phân công GV phải thực hiện từng bước.

dạy tích hợp
Một tiết học môn khoa học tự nhiên tại Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh.
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận nội thành tại TP.HCM chia sẻ hướng dẫn của bộ đã tháo gỡ vấn đề về chuyên môn cho các GV môn khoa học tự nhiên đang phải dạy ba môn là vật lý, hóa học và sinh học. Tuy GV đã được bồi dưỡng nhưng việc truyền tải kiến thức cho học sinh (HS) vẫn có hạn ở những môn họ không chuyên.

“Trường sẽ linh hoạt trong phân công GV dạy đúng chuyên môn để vừa đảm bảo kiến thức, HS lại dễ tiếp thu” - vị này nói.

Để dạy tốt môn tích hợp, ngoài việc GV tham gia khóa bồi dưỡng do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, trường cũng phải tạo cơ hội để GV học hỏi. Vào dịp hè, sau khi có sách giáo khoa, GV dạy môn tích hợp sẽ lên chuyên đề. Ngoài ra, việc triển khai dạy STEM trong trường trong suốt ba năm qua đã giúp GV có dịp cọ xát, học hỏi, từ đó tự tin hơn khi dạy môn tích hợp.

HỨA THỊ DIỄM TRÂM, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, quận Gò Vấp, cho rằng theo văn bản hướng dẫn, địa phương nào chưa đào tạo GV thì phân công GV dạy đúng chuyên môn. Còn nơi nào có GV đã qua bồi dưỡng, đào tạo thì xếp một người dạy nếu đủ năng lực.

“Đây là hướng mở để các trường chủ động hơn trong việc dạy môn tích hợp” - ông Đức nhận xét.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường THCS tại quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng công văn của Bộ GD&ĐT tạo ra hướng mở không yêu cầu các trường cùng dạy tích hợp theo cách giống nhau. Thay vào đó chỉ gợi ý các trường có thể linh hoạt dạy theo mạch hoặc song song theo từng phân môn.

Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Theo vị hiệu trưởng trường THCS tại quận nội thành ở TP.HCM, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cho phép các trường linh hoạt trong phân công GV dạy tích hợp nhưng chưa nói rõ dạy theo hình thức song song (một lúc ba môn) hay theo thứ tự chủ đề trong sách giáo khoa. “Trường đang chờ chỉ đạo cụ thể từ Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT” - vị này cho hay.

Nhiều GV đang dạy tích hợp cũng khá tâm tư. Cô TN, dạy môn khoa học tự nhiên tại TP.HCM, đánh giá văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT không mới. Tại TP.HCM, do đã được bồi dưỡng về môn tích hợp nên các trường đều phân công một GV phụ trách.

“Chuyên môn của tôi là môn hóa học, khi dạy phân môn đó tôi rất hứng thú. Tuy nhiên, với môn vật lý hay sinh học, tôi hầu như chỉ truyền đạt kiến thức trong sách giáo khoa, khó mở rộng thêm kiến thức cho HS” - cô N bày tỏ.

Tuy vậy, cô N cũng nhìn nhận một cách khách quan là môn tích hợp có nhiều thú vị. Có thể thời gian đầu GV gặp khó do chưa được đào tạo bài bản nhưng sau một thời gian là có thể tự tin dạy liên môn. “Quan trọng nhất vẫn là bản thân mỗi GV phải thay đổi, tự học hỏi” - cô N cho hay.

Thầy HT, GV môn lịch sử và địa lý ở một trường THCS tại TP.HCM, nhận xét: “Hướng dẫn này chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề vì mỗi nơi tùy điều kiện sẽ tự quyết trong việc phân công GV. Nếu làm vậy sẽ mỗi nơi một kiểu, không có sự thống nhất trên toàn quốc”.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Duy Hưng (Hà Nội), đánh giá đây chỉ là giải pháp tình thế. Nguyên nhân khiến việc dạy tích hợp chưa được như mong muốn là thiếu GV chuyên trách và cần thêm thời gian để bồi dưỡng đội ngũ GV hiện tại.

“Để dạy tích hợp đúng theo tinh thần của chương trình mới, cần sự vào cuộc của các trường ĐH đào tạo sinh viên (SV) ngành sư phạm. Ngoài ra, các trường cần động viên GV đơn môn tự nâng cấp, hoàn thiện kỹ năng dạy tích hợp để đáp ứng được yêu cầu” - ông Phúc nhấn mạnh.

Môn tích hợp nhưng sách giáo khoa đã tích hợp?

Một cuốn sách lịch sử và địa lý nhưng hai phần tách biệt, ngay các chuyên gia soạn sách cũng tách biệt, vậy tích hợp ở chỗ nào? Có chăng chỉ là chủ đề chung. Do đó, nếu vẫn tiếp tục thực hiện, GV vẫn dạy nhưng chất lượng HS sẽ đi về đâu khi bậc THCS học tích hợp còn lên THPT thì học chuyên sâu.

Một GV môn lịch sử và địa lý tại TP.HCM

Tại TP.HCM có hai trường ĐH đang đào tạo SV dạy các môn tích hợp. Ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết năm 2019 trường tuyển sinh ngành sư phạm khoa học tự nhiên với 50 SV và các em vừa tốt nghiệp.

Đến năm 2020, trường tiếp tục tuyển sinh ngành sư phạm lịch sử và địa lý, sau đó là các ngành học khác. Số SV đang được đào tạo ngành sư phạm khoa học tự nhiên đến thời điểm này khoảng 1.000. Còn SV ngành sư phạm lịch sử và địa lý khoảng 700-800.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm