Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: "Quyết liệt, kiên trì dạy học tích hợp"

(PLO)- TP.HCM đã có sự chuẩn bị từ sớm nên sẽ quyết liệt, kiên trì dạy học tích hợp ở bậc THCS vì quyền lợi của học sinh, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 22-8, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.

Tiếp tục dạy học tích hợp ở bậc THCS

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết tại bậc THCS có môn tích hợp đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới đây, trước ý kiến của giáo viên các tỉnh/thành liên quan đến việc gặp khó khi dạy học tích hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều chỉnh môn học này trong thời gian tới.

"Tôi chỉ sợ các thầy cô sẽ dao động và nghĩ rằng sẽ quay lại như trước. Tôi khẳng định sẽ không có chuyện đó. Chúng ta vẫn phải tiếp tục dạy học môn này trong thời gian tới theo đúng chủ trương tích hợp ở bậc dưới và phân hoá ở bậc trên" - ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, bao lâu nay chúng ta than thở học sinh nặng nề kiến thức, giờ tích hợp kiến thức nhẹ nhàng thì cần giữ vững quan điểm đó. Chuyển quá trình dạy học từ trang bị kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực.

"TP.HCM đã đầu tư, chuẩn bị từ sớm cho việc dạy học môn học này. Đại học Sài Gòn cùng Đại học Sư phạm đang phối hợp với Sở GD&ĐT bồi dưỡng hàng nghìn giáo viên về dạy học tích hợp, bên cạnh đó mỗi năm sẽ có khoảng 30 sinh viên được đào tạo về tích hợp ra trường. Do đó chúng ta phải kiên trì, quyết liệt, tiếp tục dạy vì học sinh" - ông Hiếu khẳng định.

Muốn làm được điều đó, hiệu trưởng nhà trường phải tạo điều kiện cho giáo viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các các phòng GD&ĐT, trường học tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, chia sẻ kinh nghiệm giúp họ tự tin hơn khi triển khai chương trình mới.

Trường nào không làm đúng Nghị quyết 04 sẽ bị tuýt còi

Nghị quyết 04 vừa được HĐND TP.HCM thông qua quy định 26 danh mục các khoản thu dịch vụ trong nhà trường. Do đó, Hiệu trưởng các trường phải nắm, nghiên cứu kỹ.

"Các mức thu đều được quy định mức tối đa. Nhưng các trường không thể thu mức tối đa mà cần phải xây dựng kế hoạch chuyên môn, có kế hoạch sử dụng chi tiết, tính toán chi phí hợp lý ..Nếu trường nào không làm đúng nghị quyết 04 sẽ bị tuýt còi"- ông Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, đối với việc dạy học buổi 2 không nên bê nguyên xi lớp học chính khoá buổi sáng. Buổi 2 phải đáp ứng nhu cầu của từng học sinh, có thể không theo lớp và phụ thuộc vào từng đối tượng của học sinh. "Tôi biết làm điều này sẽ khó cho các trường nhưng cần phải thực hiện vì điều này sẽ tốt cho học sinh" - ông Hiếu nói thêm.

Tuyển sinh trực tuyến gây áp lực lớn cho các phòng GD&ĐT

Thực hiện tuyển sinh trực tuyến với mong muốn tạo thuận lợi nhất cho học sinh, phụ huynh.

"Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bản thân tôi nhận được rất nhiều lời than phiền từ các phòng GD&ĐT. Trước đây phụ huynh đến trường nộp hồ sơ thì công việc rải ra từng trường tuy nhiên hiện nay mọi việc đẩy lên phòng GD&DT. Sở GD&ĐT có lường trước vấn đề này tuy nhiên không tính các giải pháp để hỗ trợ các phòng. Tôi có đề nghị phòng khảo thí sẽ tổ chức hội nghị riêng về công tác tuyển sinh để lắng nghe ý kiến các phòng giáo dục, để làm sao tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, tuyển sinh trực tuyến nhưng bớt áp lực, chia sẻ công việc cho các cơ sở giáo dục" - Giám đốc Sở GD&ĐT bộc bạch.

Về công tác tuyển sinh lớp 10, ông Hiếu cho biết, việc năm nào cũng có trường THPT không tuyển đủ chỉ tiêu đã nằm trong tính toán của sở. Tuy nhiên, năm nay số lượng học sinh trúng tuyển không nhập học rất nhiều, gần 4000 học sinh.

"Các trường THCS phải xem xét có đưa tiêu chí thi đua vào công tác tuyển sinh lớp 10 không? Tức là tỉ lệ học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập vào thi đua hay không? Cho nên giáo viên tư vấn học sinh đăng ký nguyện vọng 3 sao cho chắc suất nhưng trúng tuyển rồi lại không học vì quá xa nhà. Các địa phương phải nghiêm túc rà soát nghiêm túc vấn đề này để có điều chỉnh phương án tuyển sinh trong năm học tới", ông Hiếu đặt vấn đề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm