Bộ Công an đề xuất: Quản lý riêng người tâm thần phạm tội khi chữa bệnh bắt buộc

(PLO)- Bộ Công an đang xây dựng dự thảo nghị định sửa quy định về biện pháp bắt buộc chữa bệnh, trong đó đề xuất nhiều điểm mới liên quan đến người tâm thần phạm tội.

Bộ Tư pháp mới đây đã công bố tài liệu thẩm định dự thảo hồ sơ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2011 về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Bộ Công an.

Bộ Công an cho biết sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 64, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Theo đó, Nghị định 64 được ban hành dựa trên Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, các luật, bộ luật này đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị định 64 cũng sẽ hết hiệu lực.

Bộ Công an đề xuất người tâm thần phạm tội sẽ không phân biệt trong điều trị nhưng sẽ có chế độ quản lý riêng. Ảnh minh họa: TRẦN NGỌC

Do vậy, việc ban hành nghị định thay thế là cần thiết. Ngoài ra, thực tế áp dụng Nghị định 64 còn bộc lộ những quy định cần sửa đổi.

Nguyên tắc “không được phân biệt đối xử” lộ bất cập

Bộ Công an cho biết đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý vừa có yếu tố tội phạm. Theo quy định hiện nay, việc áp dụng biện pháp chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành án của đối tượng.

Trong khi đó, cán bộ chuyên môn của Bộ Y tế chỉ có chuyên môn về công tác khám, điều trị bệnh, hạn chế trong công tác quản lý đối tượng có yếu tố tội phạm.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 64 đang quy định không được phân biệt đối xử đối với người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do đó, cơ sở giám định, điều trị không có hành lang pháp lý và chưa đủ điều kiện vật chất để bố trí khu điều trị riêng đối với các đối tượng này.

Luật hiện nay quy định “không được phân biệt đối xử” nên có thể dẫn đến trường hợp đối tượng được nghỉ phép về nhà, được gặp người thân, được người nhà vào buồng bệnh chăm sóc, được sử dụng điện thoại di động dẫn đến tình trạng lợi dụng việc đi giám định, chữa bệnh tâm thần để có cơ hội tiếp xúc, thông cung và đối phó với cơ quan tiến hành tố tụng.

Cá biệt có trường hợp đã lợi dụng chính sách không được phân biệt đối xử để trốn khỏi nơi bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục phạm tội.

Đề xuất hai phương án quản lý

Để giải quyết những bất cập trên, Bộ Công an cho rằng cần sửa đổi nghị định theo hướng quản lý chặt những người bị áp dụng các biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời đưa ra hai phương án sửa đổi.

Thứ nhất là quy định người bị bắt buộc chữa bệnh có chế độ điều trị, quản lý khác so với những người bị bệnh tâm thần khác.

Mặt thuận lợi của phương án này là đối tượng được quản lý theo chế độ riêng, không gian riêng, dễ cho cơ sở bắt buộc chữa bệnh theo dõi, quản lý, không để đối tượng trốn, không để đối tượng có cơ hội gây khó khăn cho hoạt động điều tra của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Chuyên gia cho rằng giải pháp của Bộ Công an chưa phù hợp với quy định của luật và không hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

Phương án 2 là quy định rõ đối với những người bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh thì không phân biệt đối xử trong điều trị, còn quản lý thì theo chế độ riêng của Bộ Y tế. Bên cạnh những thuận lợi như dễ theo dõi, quản lý thì theo Bộ Công an, nếu áp dụng phương án này thì sẽ khó khăn trong việc giải thích từ ngữ tại khoản 1 Điều 138 Luật Thi hành án dân sự (cụm từ “không phân biệt đối xử” - PV).

Sau khi đánh giá tác động, Bộ Công an lựa chọn phương án 2 và đưa vào dự thảo nghị định sửa đổi.

Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Phan Anh Tuấn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết khoản 1 Điều 138 Luật Thi hành án hình sự quy định cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử. Về mặt pháp lý, lựa chọn của Bộ Công an là không phù hợp với quy định trên.

Còn về mặt y học, việc quản lý riêng đối với cá nhân người bệnh không giúp cho họ nhanh chóng khỏi bệnh mà còn có thể ảnh hưởng đối với quá trình điều trị. Và cũng vì họ bị mắc bệnh tâm thần nên mới hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và mới dẫn đến hành vi phạm tội. Vì vậy, TS Tuấn cho rằng chính sách hình sự có tính tối ưu nhất trong phòng, chống tội phạm với trường hợp này là phải ưu tiên chữa bệnh cho họ để họ có thể tự cải tạo và tái hòa nhập xã hội.

Cạnh đó, về mặt tổ chức, theo TS Tuấn, khó có thể chia tách bệnh viện thành hai bộ phận người bị mắc bệnh tâm thần có hành vi phạm tội và người mắc bệnh bình thường vì sẽ dẫn đến sự tốn kém không cần thiết cho xã hội như về nhân sự điều trị, về diện tích bệnh viện, về vật chất điều trị của các bệnh viện có tính chất dân sự. Bởi lẽ nguồn lực đó sẽ được sử dụng để điều trị tối ưu cho nhiều người khác trong xã hội. Nói cách khác, giải pháp của Bộ Công an không hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

“Nếu Bộ Công an muốn có chế độ riêng thì nên xây dựng riêng một bệnh viện tâm thần điều trị cho các bệnh nhân tâm thần bị bắt buộc chữa bệnh trong lĩnh vực tư pháp” - TS Tuấn nói.

Mở rộng số lượng đơn vị điều trị

Cũng theo Bộ Công an, một bất cập khác là Nghị định 64 quy định chỉ có năm đơn vị được tiếp nhận, quản lý và điều trị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh gồm Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, BV Tâm thần trung ương 1, BV Tâm thần Đà Nẵng, Phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam, BV Tâm thần trung ương 2.

Trong khi hiện nay, Bộ Y tế đã thành lập nhiều trung tâm giám định pháp y tâm thần cấp khu vực được đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ chuyên môn có khả năng tiếp nhận, điều trị.

Do đó, cần bổ sung thêm các trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực có khả năng đáp ứng việc điều trị bắt buộc vào dự thảo nghị định.

Bên cạnh đó, đối với quy định liên quan đến kết quả giám định người bị bắt buộc chữa bệnh, việc sử dụng từ ngữ chuyên môn “khỏi bệnh” là chưa phù hợp, bởi một số bệnh tâm thần sau quá trình điều trị đã có tiến triển và tình trạng bệnh đi vào ổn định mà không có khả năng chữa trị tuyệt đối (khỏi bệnh).

Việc quy định trên gây khó khăn cho cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh và khiến một số đơn vị không đến nhận đối tượng do cơ sở điều trị không kết luận khỏi bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới