Chiều tối 4-4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Tập trung điều tra toàn bộ vụ bà Nguyễn Phương Hằng
Tại cuộc họp, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về các vụ án gây xôn xao dư luận thời gian qua, đặc biệt là vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, kit test Việt Á và vụ nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).
Đối với vụ bà Nguyễn Phương Hằng, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay có lẽ hơn một năm nay, báo chí, dư luận xã hội, cộng đồng mạng sôi sục, bàn tán về vụ việc. Ngày 24-3 vừa qua, Công an TP.HCM đã khởi tố bà Nguyễn Phương Hằng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 331 BLHS.
“Đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP.HCM tập trung lực lượng để điều tra làm rõ toàn bộ vụ việc và sớm đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật” - Trung tướng Tô Ân Xô thông tin.
Trung tướng Tô Ân Xô thông tin các vụ án nóng tại buổi họp báo Chính phủ vào chiều 4-4. Ảnh: PV
Liên quan đến vụ án nhận hối lộ ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), người phát ngôn Bộ Công an cho hay cơ quan điều tra khẳng định “có hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi trong vụ án này”. Hiện tất cả bị can bị tạm giam đã bước đầu nhận tội và có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra.
Trung tướng Tô Ân Xô cũng cho hay tại vụ án này, hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương.
“Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các đối tượng đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc” - ông Xô nói và cho biết hiện cơ quan điều tra đang mở rộng điều tra, tiếp tục làm việc với một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương có liên quan để làm rõ bản chất vụ việc.
Bộ TN&MT nói về hàng loạt sai phạm đấu giá đất
Cũng tại cuộc họp báo, PV đặt câu hỏi về các sai phạm trong công tác đấu giá đất, quản lý đất đai tại các địa phương trong thời gian qua.
Trả lời, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho hay dịch COVID-19 kéo dài đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và trong nước, ảnh hưởng rất nặng nề đến quá trình đầu tư sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào đất đai.
Mặt khác, theo ông Thành, năm 2020-2021, đầu chu kỳ các địa phương, bộ, ngành thực hiện xây dựng các quy hoạch. “Một số nhà đầu tư nhân cơ hội này mua gom đất, phân lô bán nền, thậm chí là không đúng quy định của pháp luật để trục lợi bất hợp pháp” - ông Thành nhấn mạnh.
Cạnh đó, một số địa phương có lúc thực hiện còn chưa nghiêm các phiên đấu giá, có hiện tượng để lộ thông tin, có sự thông đồng giữa tổ chức thực hiện đấu giá với người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất…
Ông Thành cho biết cách đây một năm, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị chấn chỉnh hiện tượng này. Trong đó, bộ đã có khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai...
Đặc biệt, bộ đề nghị cần công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống nhằm tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất.
Bộ cũng khuyến cáo thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để giúp thu nghĩa vụ thuế cũng như kiểm soát các giao dịch ảo của bất động sản. Đồng thời phải quản lý nghiêm việc tách thửa đất, xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư…
“Chúng tôi cũng chỉ ra cần phải tổng kết, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định về đấu giá quyền sử dụng đất... làm sao quy định về đấu giá chặt chẽ, tránh bị lợi dụng kẽ hở pháp luật đầu cơ, tăng giá đất” - ông Thành nói.
Dự kiến ngày 10-5, lô vaccine cho trẻ 5-11 tuổi về đến Việt Nam Tại cuộc họp báo, PV đặt câu hỏi với đại diện Bộ Y tế về kế hoạch triển khai mua và tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Trả lời, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ đầu tháng 12-2021, Bộ Y tế đã nghiên cứu, rà soát trên cơ sở báo cáo, đề xuất của 63 tỉnh/thành, sau đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng ban hành nghị quyết mua vaccine. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất mua 21,9 triệu liều vaccine. Về vấn đề làm sao tạo đồng thuận khi tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết trước khi triển khai tiêm, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát, đánh giá tỉ lệ chấp thuận của phụ huynh với việc tiêm vaccine cho trẻ lứa tuổi này. Tỉ lệ chấp thuận khác nhau, dao động 60%-80%. “Việt Nam đang cấp phép vaccine tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi là Pfizer và Moderna. Dự kiến nếu hoàn thành thủ tục nhanh nhất, có thể đưa lô vaccine Moderna đầu tiên về Việt Nam vào ngày 10-5” - ông Tuyên cho biết. |