Bộ Công Thương: Cung ứng điện năm 2025 vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức

(PLO)- Các dự án nguồn điện chậm tiến độ, thời tiết cực đoan, nhu cầu điện tăng trưởng cao... là những nguyên nhân khiến Bộ Công Thương lo lắng việc đảm bảo điện trong năm tới vẫn rất thách thức.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước thuộc lĩnh vực Công Thương.

Nguy cơ thiếu điện vẫn cao

Về vấn đề đảm bảo điện cho sản xuất và tiêu dùng trong các tháng còn lại của năm 2024, Bộ Công Thương cho biết cơ bản được đảm bảo. Tăng trưởng điện năng được dự báo không tăng cao như các tháng đầu năm, lũy kế cả năm 2024 ước tăng trưởng khoảng 10,11%.

Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong các tháng cuối năm, El Nino có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Như vậy lưu lượng nước về các hồ thủy điện dự kiến sẽ cao hơn so với dự báo đầu năm, các nguồn thủy điện sẽ tiếp tục được tăng huy động.

Bộ Công Thương lo lắng việc đảm bảo đủ điện trong năm tới vẫn rất thách thức. Ảnh: EVNHANOI

Khi đó, các nguồn nhiệt điện có giá thành sản xuất điện cao sẽ được giảm huy động tương ứng, chỉ duy trì lượng công suất nguồn nhiệt điện tối thiểu để đảm bảo các tiêu chuẩn vận hành lưới điện, cũng như khả dụng của hệ thống điện để đảm bảo dự phòng, đặc biệt là cho miền Bắc.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương thông tin mức dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10. Trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm.

Về khả năng đáp ứng điện cho năm 2025 và các năm sau, Bộ Công Thương cho biết trong các năm tới nhu cầu điện năng được dự báo tăng trưởng ở mức cao. Do vậy việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp các nguồn điện bị chậm tiến độ so với quy hoạch đã được duyệt, xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bên cạnh đó, khu vực miền Bắc và miền Nam, do mức dự phòng công suất, điện năng tại một số thời điểm ở mức thấp nên có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh.

“Trường hợp xảy ra các diễn biến cực đoan có nguy cơ ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng điện, việc điều tiết nhu cầu phụ tải điện có thể sẽ được thực hiện tại một số thời điểm để đảm bảo an ninh cung ứng điện” - Bộ Công Thương đánh giá.

Các giải pháp của Bộ Công Thương

Trước thực tế như trên, để đảm bảo cung cấp điện cho cuối năm và năm 2025, Bộ Công Thương cho biết trong tháng 9 đã ban hành công điện về việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện trong thời gian tới. Trong đó yêu cầu các nhà máy điện đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho nhu cầu phát điện; đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình về nguồn và lưới điện truyền tải; thực hiện các biện pháp về tiết kiệm điện…

Bộ cũng cho hay đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Mua bán điện và các đơn vị quản lý vận hành để thống nhất các thông số đầu vào phục vụ tính toán phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025.

Trên cơ sở báo cáo của NSMO, Bộ sẽ thẩm định và phê duyệt phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025 để làm cơ sở cho công tác chỉ đạo điều hành đảm bảo cung cấp điện năm 2025.

Đối với các giải pháp dài hạn, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; khẩn trương sửa đổi, bổ sung ban hành cơ chế, chính sách liên quan tới giá của các loại hình điện năng, tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ về phát triển thị trường điện cạnh tranh; triển khai hướng dẫn và thực thi Luật Điện lực (sửa đổi).

Đồng thời hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển hạ tầng, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nói chung, ngành điện nói riêng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới