Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề thi thử đưa kiến thức lạc hậu

TS Sái Công Hồng, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết có những đáp án gây tranh cãi về đề thi tham khảo ở môn địa lý là do trong quá trình làm đề, tổ xây dựng đề căn cứ vào sách giáo khoa và Atlat để bảo đảm sự thống nhất trong dạy học và thi. 

Sách giáo khoa cùng với Atlat Địa lý Việt Nam hiện hành là tài liệu dạy và học môn địa lý thống nhất trong cả nước. Do đó câu hỏi và đáp án thi về nguyên tắc phải phù hợp với các tài liệu này. Tuy nhiên, có một số nội dung trong sách giáo khoa có thể đã lạc hậu, do tình hình kinh tế-xã hội thay đổi liên tục nhưng sách giáo khoa chưa cập nhật. 

Ông Sái Công Hồng cũng cho biết đây là đề thi minh họa để các em học sinh có định hướng ôn tập tốt, phục vụ kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đề thi lần này giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về hình thức thi theo năm bài thi (các lần trước đề thi thử nghiệm công bố theo môn thi), tương tự như cấu trúc của đề thi thật, tránh những bỡ ngỡ khi tiếp cận với đề thi chính thức. Ngoài ra, việc công bố đề thi minh họa theo năm bài thi giúp các địa phương nắm được số lượng cơ bản của các trang đề thi, chuẩn bị phương án in sao, đóng gói, vận chuyển và bảo mật đề thi an toàn... 

Theo Bộ GD&ĐT, khi ra đề thi chính thức, việc chọn lựa nội dung kiến thức sẽ được làm theo quy trình rất chặt chẽ. Bộ sẽ thành lập hội đồng đề thi gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong chuyên môn và công tác xây dựng đề thi. Hội đồng sẽ làm việc theo hình thức cách ly hoàn toàn, chọn lựa các câu hỏi từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để xây dựng đề thi phục vụ cho kỳ thi. Trước đó, việc xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo tám bước nghiêm ngặt. Hiện tại, Bộ đang triển khai các bước tiếp theo của quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, đảm bảo kịp tiến độ phục vụ kỳ thi chính thức vào tháng 6-2017. 

Bộ GD&ĐT cũng đã có ý kiến trả lời cụ thể các ý kiến phản hồi của một số giáo viên. Ví dụ đề thi môn địa lý, câu 44 hỏi: Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở…? Các đáp án được đưa ra là: A: Cần Thơ; B: Kiên Giang; C: Cà Mau; D: Thành phố Hồ Chí Minh. Các giáo viên phản hồi cho rằng: Nước ta không có quốc lộ 1 mà chỉ có quốc lộ 1A, quốc lộ 1B, quốc lộ 1K... Vậy câu hỏi này không có đáp án nào đúng cả. 

Về câu hỏi này, đại diện Bộ GD&ĐT trả lời đáp án C là đúng vì sách giáo khoa trang 131 viết rõ quốc lộ 1 chạy suốt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) dài 2.300 km. Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam hiện nay cũng cho biết một số cơ quan hành chính vẫn sử dụng tên quốc lộ 1A theo thói quen để tránh nhầm lẫn với quốc lộ 1B, 1C hay 1K. Tuy nhiên, tên gọi chính thức vẫn là “quốc lộ 1” và Bộ GTVT quy định có điểm đầu ở biên giới phía Bắc (giáp Trung Quốc) và điểm cuối thuộc Cà Mau… 

Bộ GD&ĐT khẳng định những ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh sẽ được Bộ tiếp thu, để khi ra đề thi và đáp án chính thức sẽ tạo được sự đồng thuận cao nhất, tránh các nội dung gây tranh cãi.

(Theo Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới