Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Văn Thạo- ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội) về đề thi minh họa môn toán mà Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Thầy Thạo cho rằng đề minh họa môn toán gồm 50 câu hỏi đã bao trùm lên toàn bộ kiến thức lớp 12. Đề bài gồm có các cấp độ khác nhau gồm: nhớ, hiểu, vận dụng và vận dụng cao (từ dễ đến khó). Đề thi này đáp ứng được yêu cầu của việc xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thầy Phạm Văn Thạo.
Cũng theo thầy Thạo, đề thi minh họa môn toán lần ba này có thể phân loại được học sinh, có rất ít em bị điểm liệt. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng rất ít em được điểm tối đa do đề quá dài, nhiều bài toán còn cồng kềnh, thời gian làm bài lại hạn chế.
Thầy Thạo cũng chỉ ra một số điểm chưa hợp lý trong đề, đó là các câu hỏi không được phong phú, đa số là hỏi và chỉ có một đáp án đúng duy nhất cùng ba đáp án sai. “Người ta có cảm giác như là lấy một đề thi tự luận và đáp số của nó, cộng thêm ba đáp số ảo vào. Có rất nhiều cách hỏi khác nhau để cấu thành đề chứ không phải bài nào cũng một kiểu như vậy” - thầy Thạo nhận xét.
Bên cạnh đó đề bài khá dài, thí sinh cũng phải dành thời gian tính toán nhiều. Đề thi trắc nghiệm phải làm sao cho ngắn gọn để có thể hỏi về cả lý thuyết lẫn bài tập, có thể dùng phương pháp loại trừ, phán đoán để làm được bài mà không nhất thiết bài nào cũng phải mất nhiều công tính toán.
Một điểm nữa là đề thi còn thiếu, ít bài toán mang tính phát huy, tính sáng tạo của học sinh. Trong đề có gần 10 câu hỏi khó nhưng chỉ mang tính chất dài dòng như thi tự luận, chỉ đòi hỏi sự cần cù của học sinh mà không mang bản chất của việc thi trắc nghiệm với các cách giải ngắn gọn sáng tạo.
“Tôi mong muốn trong kỳ thi THPT 2017 sắp tới đề thi làm sao đánh giá đúng chất lượng của học sinh, đồng thời phân loại được học sinh. Đề ra phải kỹ càng, có các câu hỏi phong phú hơn, chứ không phải chỉ có mỗi thể loại như là bài thi tự luận xong cấy thêm đáp số ảo vào” - thầy Thạo chia sẻ.