Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.
Có khái niệm xác định rõ về người tài năng
Trong dự thảo lần này, Bộ Nội vụ đã đưa ra khái niệm xác định về người có tài năng. Cụ thể, người có tài năng là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực. Có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngoài ra người có tài năng còn phải đảm bảo các tiêu chí, điều kiện ngoài những yêu cầu nêu trên. Trong đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có năng lực chỉ đạo và tổ chức thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, đề xuất được các sáng kiến, giải pháp mang tính đột phá trong từng ngành, lĩnh vực.
Có lòng tự tin, có bản lĩnh, chính kiến rõ ràng, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có năng lực tập hợp, quy tụ và phát huy trí tuệ, năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, viên chức.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phụ trách luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong ít nhất ba năm liên tục và đạt thành tích có tác động, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc đất nước.
Đối với công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải thạo và nắm vững chuyên môn nghiệp vụ và am hiểu các lĩnh vực đang công tác. Có năng lực tham mưu, hoạch định chính sách và chiến lược của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Chủ động, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có phương pháp làm việc khoa học. Có năng lực làm việc độc lập, phối hợp tốt với đồng nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ
Luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ theo chức trách, nhiệm vụ được giao và có kết quả, thành tích tác động, ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc đất nước.
Đối với các đối tượng được thu hút phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuẩn mực về đạo đức, lối sống. Có tinh thần yêu nước; có niềm tin, khát vọng nghề nghiệp và khát khao được cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Có tư duy, năng lực sáng tạo vượt trội và tinh thần đổi mới; am nhiều sâu sắc chuyên môn; có khả năng tiếp thu, kế thừa, phát huy tinh hoa của dân tộc và nhân loại.
Tạo ra những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển, thay đổi diện mạo ngành, lĩnh vực, quốc gia, dân tộc, được tổ chức trong nước hoặc quốc tế công nhận.
Điều kiện xem xét, xác định người có tài năng
Bộ Nội vụ trong dự thảo cũng nêu rõ các điều kiện để xem xét, xác định người có tài năng. Theo đó cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thời gian công tác liên tục trong hoạt động công vụ, hoạt động nghề nghiệp từ năm năm trở lên.
Được cơ quan có thẩm quyền phân loại đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục trong thời gian ba năm gần nhất.
Một điều kiện khác để được xác định là người tài năng là phải đạt thành tích, công trạng theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý quy định. Được người đứng đầu quan sử dụng xác nhận đạt tiêu chí người có tài năng và đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý xem xét, công nhận.
Đối với các đối tượng được thu hút phải có thời gian làm việc trong ngành, lĩnh vực chuyên môn phù hợp theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương từ ba năm trở lên. Đáp ứng điều kiện tuyển dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Có sản phẩm đề án, công trình nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tiễn, được đánh giá đạt hiệu quả phù hợp theo yêu cầu của ngành, lĩnh vực, địa phương.
Được người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức xác nhận đạt tiêu chí người có tài năng và đề nghị người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, công nhận.
Nhiều chính sách thu hút người tài nhưng hiệu quả chưa cao
Trước đó, tại Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.
Ngoài ra, để xây dựng, phát triển và nâng chất đội ngũ cán bộ, nhiều nghị quyết, quy định cũng như các hướng dẫn liên quan đã được Chính phủ ban hành. Một trong số đó là Nghị định 140/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Đến hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Chính trị đã có Thông báo 50 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương "một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Đến tháng 8, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của chiến lược là phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau năm năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước.
Tại TP.HCM, qua hai giai đoạn (2014-2019 và 2019-2022) thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” mời nhân tài về làm việc cho các lĩnh vực trọng điểm, TP chỉ thu hút được 19 chuyên gia. Tuy nhiên, sau đó 14/19 chuyên gia rời đi với lý do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.
Cạnh đó, báo cáo về tiến độ thực hiện Đề án 01/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP, giai đoạn 2020-2035, Sở Nội vụ TP cho biết tính từ thời điểm năm 2018, TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút theo Nghị định 140/2017.