Chính phủ đặt mục tiêu 100% nhân tài ở lại làm việc sau 5 năm được thu hút

(PLO)- Chính phủ khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 899 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đề ra là đến năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.

Đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỉ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.

Chính phủ đưa ra nhiệm vụ là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài có năng lực vượt trội tập trung vào bốn nhóm cụ thể. Ảnh: VGP

Chính phủ đưa ra nhiệm vụ là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài có năng lực vượt trội tập trung vào bốn nhóm cụ thể. Ảnh: VGP

Theo chiến lược, một trong các nhiệm vụ và giải pháp đề ra là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài có năng lực vượt trội tập trung vào bốn nhóm.

Nhóm thứ nhất là học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Nhóm thứ hai là những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn.

Thứ ba là nhóm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ.

Thứ tư là những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.

Chính phủ cũng khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài. Đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo để sớm phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.

Nhiệm vụ và giải pháp khác của Chiến lược là nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Trong đó nhấn mạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài….

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị cần tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam…

Chiến lược cũng đặt mục tiêu xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đặc biệt là chú trọng chiến lược thu hút trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau năm năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỉ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Trước đó, góp ý tại hội nghị xin ý kiến chuyên gia về dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hồi cuối tháng 3, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Nội vụ, cho rằng muốn thu hút được nhân tài thì phải trọng dụng họ, bố trí đúng lĩnh vực, tạo điều kiện cũng như môi trường để họ làm việc.

Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cũng cho rằng trước thực trạng nhiều người tài nghỉ việc vì lương cao nhưng không đóng góp được, cần xây dựng kế hoạch bao quát về chế độ đãi ngộ, nguyên tắc thu hút và trọng dụng nhân tài.

Ngoài đãi ngộ, thưởng bằng tiền, hiện vật, thăng tiến khi họ có công trình mang lại hiệu quả thì cần tạo môi trường để người tài yên tâm cống hiến, đóng góp, phát huy tài năng. Mặt khác, việc thu nhất nhân tài không nên chỉ giới hạn ở khu vực công để tránh bỏ lỡ đội ngũ nhân tài khu vực tư.

Trong Thông báo 50 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII cũng đã yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm