Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Dự thảo Luật Đất đai sát với thực tiễn cuộc sống

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Dự thảo Luật Đất đai sát với thực tiễn cuộc sống

(PLO)- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng, mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống…

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội (QH), sáng mai (1-11), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình QH thảo luận. Đây là dự án luật được cử tri, nhân dân hết sức quan tâm; được Ủy ban Thường vụ QH đánh giá là nhiệm vụ trọng tâm của công tác lập pháp nhiệm kỳ này.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có tác động tới việc thực thi của 88 luật khác có liên quan.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Quá trình triển khai dự án luật được thực hiện bài bản trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu tác động…

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là công tác thanh tra, kiểm tra, thiết lập kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai; giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai; theo dõi, bổ sung hình thức đối thoại, hòa giải tại tòa án; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai…

Gần ba năm chuẩn bị kỹ lưỡng

. Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, kể từ khi công bố dự thảo đầu tiên của Luật Đất đai (sửa đổi), đến nay quá trình hoàn thiện đã được tiến hành thế nào?

+ Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, từng người dân; có tác động tới việc thực thi của nhiều pháp luật khác có liên quan.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác lập pháp nhiệm kỳ này; thành công của dự án luật này là thước đo năng lực xây dựng pháp luật, năng lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, năng lực kiến tạo phát triển, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của QH, của Chính phủ, các tổ chức, cơ quan hữu quan. Chính vì vậy, quá trình triển khai dự án luật được thực hiện từ sớm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn; thể chế hóa các chủ trương của Đảng, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Ngay từ năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và trình QH đưa dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quá trình tổng kết thi hành luật được thực hiện đồng thời với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương (BCH TƯ) khóa XI.

Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của BCH TƯ khóa XI, Bộ Chính trị đã nhiều lần cho ý kiến; BCH TƯ thảo luận hết sức kỹ lưỡng về những quan điểm, chủ trương đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực cho phát triển.

Ngay sau khi Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã chỉ đạo thể chế hóa toàn diện năm quan điểm, sáu nhóm giải pháp và tám nhóm chính sách lớn trong dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đối tượng chịu tác động; phối hợp với VCCI tổ chức lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản. MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị phản biện đối với dự án luật. Chính phủ đã cầu thị, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện dự án luật.

Đặc biệt, điểm mới nổi bật của công tác lập pháp lần này đó là sự vào cuộc phối hợp từ xa, từ sớm của QH cùng với Chính phủ. Chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các ủy ban của QH đã nhiều lần chủ trì các cuộc họp, làm việc với cơ quan soạn thảo để cho ý kiến về các định hướng, chính sách lớn trong quá trình soạn thảo và chủ trì nhiều hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo luật.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, Viện Nghiên cứu lập pháp cùng với Ủy ban Kinh tế đã thẩm tra dự án luật quan trọng này.

Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trải qua nhiều bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện để chính thức trình QH vào ngày mai (1-11). Có thể nói dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng; mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống; là kết tinh trí tuệ của hệ thống chính trị, tinh thần đổi mới, phối hợp chặt chẽ trong công tác lập pháp giữa QH, Chính phủ, MTTQ Việt Nam; trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, trên cơ sở lắng nghe ý kiến nhiều chiều, đặc biệt là từ những đối tượng chịu tác động.

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội (QH), sáng 1-11, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình QH thảo luận. Ảnh: TTXVN

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội (QH), sáng 1-11, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình QH thảo luận. Ảnh: TTXVN

Giải quyết các xung đột, chồng chéo với các luật liên quan

. Trong 245 điều của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có tới 184 điều bổ sung, sửa đổi; 41 điều bổ sung mới hoàn toàn. Xin Bộ trưởng cho biết những chính sách lớn quan trọng trong lần sửa đổi này?

+ Nghị quyết của đại hội và các nghị quyết của trung ương, QH đặt ra yêu cầu đối với việc sửa đổi luật lần này là xây dựng cho được hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định, tổng thể, chiến lược phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết được yêu cầu của thực tiễn; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. Chính vì vậy, dự thảo sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách lớn…

. Luật Đất đai hiện hành có liên quan đến rất nhiều luật, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua, liệu có khắc phục được những mâu thuẫn, chồng chéo với các luật này không?

+ Chính phủ đã tiến hành rà soát 112 luật, bộ luật có quan hệ với dự thảo Luật Đất đai; xác định 88 luật, bộ luật có chứa đựng quy phạm đất đai, trong đó 22 luật, bộ luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, Chính phủ sửa đổi bổ sung trong Luật Đất đai những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai; đồng thời bổ sung quy định tại Điều 4 về áp dụng pháp luật đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với các luật khác.

Chính phủ cũng chỉ đạo sửa đổi các quy định trong trong Luật Giá, Luật Đấu thầu đang trình QH. Chính phủ sẽ tiếp tục trình QH xem xét sửa đổi các luật có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi Luật Đất đai được thông qua.

Cầu thị lắng nghe, dự báo các tác động

. Thưa Bộ trưởng, Luật Đất đai là dự luật quan trọng, giải pháp nào để đảm bảo tính khả thi của dự án luật, tác động tích cực đến phát triển kinh tế?

+ Đây là vấn đề hết sức quan trọng mà QH, Chính phủ đặt ra trong quá trình xây dựng dự án luật này.

Ngay từ khâu xác định chính sách, như tôi đã nói ở trên, đã được thực hiện một cách kỹ lưỡng từ BCH TƯ, Bộ Chính trị, QH, Chính phủ xuất phát từ tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai, những vấn đề đặt ra đối với phát triển đất nước để xem xét những chính sách cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, được khảo sát, lấy ý kiến tham vấn các địa phương, các tổ chức.

Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập với sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, VCCI, các địa phương. Huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia lập pháp trong quá trình xây dựng, đóng góp phản biện cho dự án luật.

Ban soạn thảo triển khai các đoàn khảo sát, làm việc, lấy ý kiến các địa phương, trong đó có sự tham gia của cấp huyện, các tổ chức có liên quan. Tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, đăng tải lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động...

Dự án luật trình QH là kết quả của trí tuệ, đóng góp của hệ thống chính trị. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của QH tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ tiếp thu hoàn thiện để lấy ý kiến nhân dân.

Những việc phải làm sau kỳ họp Quốc hội

. Tại kỳ họp này QH dành thời lượng rất lớn cho thảo luận về dự án luật này, ông mong muốn gì từ các đại biểu (ĐB) QH?

+ Tôi luôn hiểu rằng điều mong mỏi của QH, của người dân, doanh nghiệp hiện nay là thông qua sửa đổi luật lần này sẽ giải quyết được những vướng mắc, tồn tại hiện nay trong quản lý đất đai.

Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Luật Đất đai sửa lần này không chỉ giải quyết khó khăn, mà mục tiêu là phải tạo ra đột phá mới, động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, ở lần thảo luận này có rất nhiều vấn đề cần phân tích, đánh giá, từ những yêu cầu phát triển, thực tiễn sinh động, kinh nghiệm lập pháp của các ĐBQH. Tôi mong muốn sẽ nhận được các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết của các ĐBQH về những tồn tại, vướng mắc và các giải pháp để việc sửa đổi lần này đạt được mục tiêu cao nhất, đặc biệt là những vấn đề khó như là giá đất, chính sách kinh tế, tài chính, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC.

. Dự kiến dự án luật này sẽ được QH xem xét thông qua tại ba kỳ họp, xin ông cho biết về kế hoạch sau kỳ họp này?

+ Chính phủ đã xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể về tiến trình xây dựng, trình QH xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngày sau kỳ họp thứ tư, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH những vấn đề lớn trong giải trình tiếp thu dự thảo luật tại phiên họp thứ 18 trong tháng 12-2022.

Trình Ủy ban Thường vụ QH ban hành nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân đối với toàn bộ dự thảo luật. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong tháng 1 và 2-2023.

Tiếp thu ý kiến nhân dân, hoàn thiện hồ sơ dự án luật gửi Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH thẩm tra trước 1-4-2023; hoàn thiện trình Ủy ban Thường vụ QH trước ngày 12-4-2023. Tại kỳ họp thứ 5, QH tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện.

Dự thảo luật sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-2023.

Với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, dự thảo luật được kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu các mục tiêu đặt ra, phản ánh hơi thở thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

. Xin cám ơn Bộ trưởng.

Xây dựng bảng giá đất sát với giá thị trường

. Phóng viên: Xin đề cập đến vấn đề cụ thể được người dân và doanh nghiệp hết sức quan tâm. Đó là dự thảo luật đã bỏ khung giá và các địa phương sẽ ban hành bảng giá đất phù hợp với giá đất thị trường. Nhưng làm thế nào để xác định được giá thị trường, thưa Bộ trưởng?

+ Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Trong thực tế, định giá đất là vấn đề hết sức khó khăn. Hiện nay, chúng ta đang sử dụng hệ thống giá đất gồm khung giá do Chính phủ ban hành và bảng giá do địa phương lập năm năm/lần và giá cụ thể. Khung giá đất quy định năm năm/lần, biên độ rộng, quy định theo vùng đô thị, nông thôn thì không thể phù hợp với giá thị trường.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai…Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai…Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG

Vì vậy, luật đã bỏ quy định về khung giá đất, hoàn thiện nguyên tắc, quy định về định giá tiếp cận tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để các địa phương xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể.

Để xây dựng dữ liệu giá đất tin cậy, bản đồ giá đất, giá thửa đất chuẩn, vùng giá trị phản ánh khách quan, trung thực giá trị thị trường, dự thảo luật đã bổ sung quy định đăng ký giá, đề xuất áp dụng thuế liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất theo bảng giá đất để người giao dịch khai báo đúng giá giao dịch thực tế với cơ quan nhà nước; bổ sung quy định bắt buộc phải đăng ký giá đất, tài sản trên đất để được bảo hộ các lợi ích, có chế tài để xử lý đối với trường hợp không khai báo, đăng ký giá đúng giá trị giao dịch trên thị trường.

Mở rộng thành phần hội đồng thẩm định giá đất với sự tham gia của đại diện HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan.

..................................

Hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Một vấn đề được người dân, doanh nghiệp hết sức quan tâm đó là giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và doanh nghiệp trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC). Vấn đề này cũng đã được thể hiện trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Dự luật đã hoàn thiện đồng bộ các chính sách nhằm giải quyết hài hòa lợi ích giữa người có đất bị thu hồi với Nhà nước và nhà đầu tư:

Thứ nhất, quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; các trường hợp thu hồi đất; điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.

Thứ hai, hoàn thiện các quy định về định giá đất để giá bồi thường cho người sử dụng đất đảm bảo phù hợp với giá thị trường. Đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân như ngoài việc bồi thường bằng đất có cùng mục đích, bằng tiền, thì có thể được bồi thường bằng đất khác mục đích hoặc nhà ở nếu địa phương còn quỹ đất, quỹ nhà ở và người sử dụng đất có nhu cầu. Nếu phải giải tỏa nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân thì được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương.

Thứ ba, trước khi chuyển dịch đất đai cần lập phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC để đi trước một bước, để lo ổn định đời sống, TĐC khi thu hồi đất. Trong đó phương án TĐC sẽ gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà TĐC, thiết kế, diện tích từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà TĐC để nhân dân biết. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, TĐC có sự tham gia của đại diện HĐND, MTTQ Việt Nam, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi; trách nhiệm và cách thức tổ chức họp dân, tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của người dân để đảm bảo dân chủ, khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, hỗ trợ, TĐC.

Thứ tư, cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí khu TĐC về hạ tầng kỹ thuật: giao thông, điện, hệ thống cấp/thoát nước, thông tin liên lạc, xử lý môi trường; hạ tầng xã hội: đảm bảo trường học, dịch vụ y tế, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, khu thương mại - dịch vụ. Địa điểm TĐC theo thứ tự ưu tiên tại địa bàn xã/phường/thị trấn nơi có đất bị thu hồi; tại địa bàn quận/huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi, địa bàn khác có điều kiện tương đương tại địa bàn quận/huyện/thị xã/TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc trung ương nơi có đất thu hồi không có đất để bố trí TĐC.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: QH

Trường hợp người có đất ở thu hồi, nhà ở chung cư được bố trí TĐC mà tiền bồi thường về đất ở không đủ để mua một suất TĐC tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất TĐC tối thiểu.

Thứ năm, ngoài chính sách bồi thường, dự thảo luật cũng quy định các chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; hỗ trợ đảm bảo sinh kế cho đối tượng yếu thế, tuổi cao, bệnh tật không có khả năng lao động để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển dịch đất đai; đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh có hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh; điều tiết hài hòa giá trị địa tô do quy hoạch, chuyển mục đích cho người có đất bị thu hồi.

Thứ sáu, tách bạch rõ giá trị mà người sử dụng đất phải được hưởng theo mục đích sử dụng; giá trị thuộc về Nhà nước do quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, do đầu tư công trình hạ tầng; giá trị chênh lệch do đầu tư vào đất, hạ tầng, phát triển đô thị, do thương hiệu… thuộc về nhà đầu tư; trong trường hợp góp đất chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng thì người dân được hưởng.

TRẦN HỒNG HÀ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT

Đọc thêm