Nhân dịp đầu xuân Canh Tý 2020, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh) về những giải pháp thực hiện mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD trong năm nay.
500 tỉ USD là con số rất ấn tượng
. Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng bộ trưởng và ngành công thương đã đạt vượt mốc kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỉ USD trong năm 2019. Theo bộ trưởng, điều gì đã tạo nên con số ấn tượng này?
+ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Năm 2019 khép lại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 517 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Hơn 500 tỉ USD là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam (VN).
Trong đó xuất khẩu ước đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2018. Trong khi kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ tư liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỉ USD, tăng 7%.
Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỉ USD), góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Quả thật năm 2019 đã ghi nhận thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung. Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
Nói khái quát như thế để thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp để đạt được con số xuất khẩu gần 264 tỉ USD là không hề đơn giản, cần đáng được tôn vinh và trân trọng.
. Vậy đâu là nguyên nhân chính giúp xuất khẩu của VN đạt con số ấn tượng trên, thưa bộ trưởng?
+ Cá nhân tôi thấy rằng chính việc đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của VN thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại (FTA) mà các bộ, ngành đã phối hợp tích cực thực hiện trong thời gian qua để đưa đến kết quả: VN đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực, đã góp phần không nhỏ vào cán cân thương mại rất khởi sắc của VN.
Xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng được tạo thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.
Đến nay, VN vươn lên thứ 22 trên thế giới về quy mô xuất khẩu. Không chỉ quy mô thương mại hai chiều đạt mức cao mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày càng được cải thiện, không chỉ hướng về chiều rộng mà còn tăng trưởng về chiều sâu.
Mít chế biến của Việt Nam đang được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: QUANG HUY
Rất nhiều thách thức
. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 300 tỉ USD vào năm 2020. Bộ trưởng có thấy áp lực với con số này không?
+ Chỉ tiêu xuất khẩu chạm mốc 300 tỉ USD vào năm 2020 là một con số đầy thách thức và áp lực. Chúng tôi nhận định mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức về cơ bản vẫn rất lớn. Kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp sẽ tác động mạnh tới xuất khẩu của nước ta. Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế.
Từ đó đòi hỏi toàn ngành công thương không chỉ cần nỗ lực, quyết tâm cao hơn mà còn phải sáng tạo hơn, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
. Bộ trưởng sẽ có những giải pháp cụ thể gì để hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao?
+ Năm nay, Bộ Công Thương xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể một cách đồng bộ ngay từ ngày đầu năm, bám sát kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ; phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Du lịch, xuất khẩu bị ảnh hưởng ngay Hiện nay chúng ta chỉ biết Corona sẽ ảnh hưởng tới kinh tế, nhất là đối với du lịch, xuất nhập khẩu. Do vậy, trước mắt chúng ta phải xử lý những vấn đề liên quan đến du lịch và xuất nhập khẩu. Bởi rõ ràng chỉ tính riêng tháng 1-2020, trong tổng số gần 2 triệu khách du lịch quốc tế đến VN thì khách Trung Quốc đã chiếm tới trên 644.000 lượt người. Xuất khẩu nông sản đã nhìn thấy ảnh hưởng khi các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đã đóng lại. TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng |
Đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
. Lợi ích từ các FTA tác động đến cộng đồng doanh nghiệp VN đã có thể nhìn thấy rõ. Vậy thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ làm gì để tận dụng hơn nữa những cơ hội từ những hiệp định thương mại này mang tới, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu?
+ Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ,...
Kết quả ban đầu thông qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp VN đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện một cách nhất quán và kiên định chiến lược hội nhập. Đây chính là những giải pháp mang lại động lực cho tăng trưởng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn cả tiến bộ xã hội. Đó chính là nền tảng quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho đất nước.
. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV), Bộ Công Thương sẽ làm gì để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp?
+ Bộ Công Thương đã họp khẩn để tìm giải pháp, đồng thời đưa ra những dự báo, đánh giá cụ thể những tác động đến hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung. Trong đó, bộ yêu cầu các đơn vị trong ngành cần phải đánh giá được cụ thể tác động từ dịch bệnh tới từng nhóm mặt hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng thành lập tổ công tác theo dõi sát diễn biến tình hình, phối hợp với các bộ, ngành liên quan cập nhật dữ liệu và đề ra được các giải pháp cụ thể, chi tiết trước mắt cũng như lâu dài.
Bộ sẽ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn, phát triển thị trường xuất khẩu cho hàng hóa VN.
. Xin cám ơn bộ trưởng.
Khó nhưng làm được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá năm 2020 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với ngành nông nghiệp. Đó là thách thức về thị trường, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn phấn đấu năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu ít nhất từ 42 tỉ USD.
Để đạt được mức tăng trưởng này, Bộ trưởng Cường nhận định thị trường là khâu quyết định, trong đó doanh nghiệp tiếp tục là hạt nhân, đầu tàu dẫn dắt các chuỗi giá trị nông sản. “Mặc dù chúng ta xuất khẩu tới 40 tỉ USD, nông sản đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Tại sao dư địa lớn, vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm vào khoảng hơn 2 ngàn tỉ USD, trong đó giá trị có được từ khâu chế biến thương mại còn rất nhiều. VN chúng ta cũng vậy, hơn 40 tỉ USD chúng ta xuất khẩu chủ yếu là thô. Do đó, nếu như chúng ta làm tốt khâu chế biến, làm tốt sản xuất chuỗi thì giá trị từ khu vực này còn rất lớn” - ông Cường nhấn mạnh. AN HIỀN |