Đây là thông tin đáng chú ý được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2019, sáng 27-12.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp do tác động của xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc; xu hướng bảo hộ mậu dịch và việc các nước đang ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỉ USD.
Cụ thể, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỉ USD/tháng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 516,96 tỉ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong đó xuất khẩu ước đạt 263,45 tỉ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7%-8%). Trong khi kim ngạch nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ tư liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỉ USD, tăng 7%.
“Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỉ USD), góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - ông Tuấn Anh nói.
Khác với các năm trước đây, năm 2019, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Tư lệnh ngành Công Thương cũng đánh giá, tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018; qua đó đóng góp vào mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Tỉ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Theo ông Tuấn Anh, Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm qua. Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Mỹ, EU. Sau một năm CPTPP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các nước khu vực này đã tăng đáng kể,…
Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm 33 thủ tục hành chính trong tổng số 445 thủ tục hành chính hiện có thuộc phạm vi chức năng quản lý. Tính đến nay, toàn bộ 445 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý đều đã được Bộ Công Thương công bố và cập nhật công khai đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính,…
Bộ Công Thương cũng đã thành lập Trang tin về hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện đầu tư kinh doanh trên cổng thông tin điện tử của Bộ để giải đáp những câu hỏi của doanh nghiệp, người dân. Bộ Công Thương cũng là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện việc thí điểm kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách hành chính, ban hành được nhiều chương trình điều kiện kinh doanh rất bài bản. Bộ Công Thương về đích sớm nhất trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính. Bộ Công Thương cũng đi đầu trong ban hành nghị định đầu tiên của Chính phủ về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong đó có nhiều nghị định được doanh nghiệp đánh giá cao như Nghị định về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas…
Một điểm sáng khác theo ông Lộc là ngành điện có thay đổi tích cực về chỉ số tiếp cận điện năng theo xếp hạng thế giới, đạt tốp 4 trong ASEAN.
Ông Lộc cho rằng nguyên nhân cải cách thành công của Bộ Công Thương là do được tiến hành từ tư duy quản lý tự giác, tự thân và thường xuyên lắng nghe ý kiến DN.