Seoul và Washington đã thảo luận về khả năng triển khai một Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tới Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đóng quân. Đây là một nỗ lực nhằm bảo vệ đất nước tốt hơn trước các mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên.
“Hàn Quốc chỉ có khả năng đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối của nó. Vì vậy, chúng tôi có những hạn chế. Nếu hệ thống THAAD được triển khai tới quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, khả năng của chúng tôi sẽ được gia tăng đáng kể. Việc này đem lại lợi ích quân sự rõ ràng” - Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo trả lời CNN.
Seoul và Washington đang cân nhắc việc triển khai hệ thống THAAD tới Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Ông Han cho biết Triều Tiên đã gia tăng đáng kể các vụ thử tên lửa kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên cầm quyền. Họ đã tiến hành 25 cuộc thử nghiệm trong vòng bốn năm, trong khi 18 năm trước đó chỉ có 18 cuộc thử nghiệm. Ông Han nói: “Chúng tôi cho rằng Kim Jong-un vẫn đang trong quá trình thiết lập sự lãnh đạo và ảnh hưởng của mình”. Bộ trưởng cũng cho rằng nhà lãnh đạo của Triều Tiên “liều lĩnh” và “bốc đồng”.
Ông Han cho biết Hàn Quốc tin rằng khả năng mang đầu đạn hạt nhân thu nhỏ của Triều Tiên đã tiến triển đến một mức độ lớn nhưng vẫn chưa có bằng chứng để chắc chắn rằng Triều Tiên đã thực sự đạt được nó.
Ông Han nhấn mạnh rằng Hàn Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không nhìn nhận Triều Tiên là một quốc gia mang vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ áp lực đối với nước này và thực hiện các biện pháp trừng phạt để họ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Đối thoại Shangri-La đã thể hiện rõ sự ngăn cách sâu sắc giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, khi mà Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng sự phản đối với việc triển khai THAAD tới Hàn Quốc của Washington.