Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị
Sáng 18-10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã làm việc với đại diện các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan tới các kiến nghị về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 (dự thảo Nghị định).
Cuộc làm việc diễn ra trong bối cảnh Bộ Tư pháp đã thẩm định về dự thảo Nghị định (ngày 27-9) được 20 ngày. Tuy nhiên các doanh nghiệp, hiệp hội vẫn còn khá nhiều ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo. Ngày 11-10, đại diện 10 doanh nghiệp, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về một số nội dung của dự thảo Nghị định.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam góp ý tại cuộc làm việc về xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 sáng ngày 18-10
Theo đó văn bản kiến nghị cho rằng một số nội dung dự thảo không phù hợp với các luật hiện hành và điều kiện thực tiễn Việt Nam, đồng thời đưa ra các góp ý, đề xuất cụ thể. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm nội dung quan trọng như:
Cần đơn giản, minh bạch hoá thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) và chuyển sang hậu kiểm, thay vì tiền kiểm; cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng tới môi trường, hoạt động đầu tư kinh doanh.
Bãi bỏ việc thành lập văn phòng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và hội đồng EPR.
Bổ sung khung pháp lý, đồng thời quy định rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm, và xử lý chất thải”.
Điều chỉnh tỷ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỷ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thự tiễn Việt Nam;
Lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1-2015 để giúp công nghiệp tái chế có thời gian chuẩn bị, đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19…
Bảo vệ môi trường là mục tiêu số 1
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà mong muốn nhận được những ý kiến trao đổi cởi mở, thẳng thắn của đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội để hoàn thiện dự thảo Nghị định với mục tiêu cao nhất là bảo vệ môi trường.
“Chúng ta đang làm một văn bản hết sức quan trọng đối với đất nước và người dân đó là bảo vệ môi trường. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của chung ta đối với thế hệ tương lai” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà
Tại cuộc làm việc, đại ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, Bộ TN&MT cho biết cơ quan soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, đặc biệt là ý kiến thẩm định của bộ Tư pháp. Trong đó, một số ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp trong thư kiến nghị ngày 11-10 đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Nghị định.
Cụ thể, ông Thịnh cho hay, dự thảo Nghị định đã giảm 18 thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định hiện hành (giảm 34%). Tích hợp 7 loại giấy phép, xác nhận vào một giấy phép môi trường (GPMT). “Thay vì phải thực hiện nhiều giấy phép đơn lẻ theo như trước đây, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện 1 thủ tục đề nghị cấp GPMT” – ông nói.
Cũng theo ông Thịnh, về thủ tục cấp GPMT, dự thảo Nghị định mới nhất đã điều chỉnh theo hướng đơn giản hóa quy trình rà soát tính hợp lệ của hồ sơ theo hướng chỉ thực hiện 1 lần (theo Dự thảo cũ thì thực hiện 2 lần khi tiếp nhận hồ sơ và khi thành lập đoàn kiểm tra).
Về văn phòng EPR và Hội đồng EPR, ông Thịnh cho hay tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ biên tập đã để xuất chỉnh lý dự thảo Nghị định theo hướng không quy định cứng về nội dung này.
Tại buổi làm việc, đại diện các Hiệp hội Thuỷ sản, May mặc, Hoá chất, Thuốc Bảo vệ thực vật, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô – xe máy; Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu, Mỹ đầu tư tại Việt Nam… đã nêu các ý kiến để được trực tiếp Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đại diện Tổ soạn thảo giải đáp.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng TN&MT đề nghị đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội làm việc thêm với Tổ biên tập để thống nhất các nội dung, để hoàn thiện dự thảo Nghị định.
“Nhiều chủ trương, chính sách lớn về bảo về môi trường đã được chế định từ năm 2005 (Luật bảo vệ môi trường 2005) nhưng đến nay vẫn là mục tiêu vì nhiều năm qua đất nước chưa có đủ các điều kiện để thực thi. Do đó, việc triển khai những chính sách quan trọng trong Luật bảo vệ môi trường 2020 dù có khó khăn mấy, cũng phải làm bằng được để không tụt hậu so với bước tiến chung của thế giới” - Bộ trưởng TN&MT nhấn mạnh.
Thư kiến nghị của 30 tổ chức cá nhân gửi Chủ tịch Quốc hội về việc xây dựng dự thảo Nghị định quy chi tiết Luật Bảo vệ môi trường 2020 cho rằng không lên lùi thời điểm thực hiện quy định trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR). “Việt Nam đã chậm 15 năm trong việc thực hiện EPR trong khi nhu cầu khẩn cấp cần phản giảm lượng chất thải phát sinh và tăng tỷ lệ tái chế để giảm các xung đột môi trường do ô nhiễm và sức khoẻ cộng đồng” - thư kiến nghị nêu. 30 tổ chức, cá nhân này cũng nêu 3 kiến nghị khác như: đề nghị tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, tăng và minh bạch mức đóng góp tài chính để bảo đảm thực hiện các chiến lượng môi trường quốc gia; quy định rõ vai trò của các tổ chức khoa học ngoài công lập về môi trường và hội bảo vệ người tiêu dùng trong cơ chế EPR; nguồn đóng góp tài chính từ EPR phải được chi trực tiếp cho tái chế, xử lý chất thải, cụ thể là tăng cường hỗ trợ địa phương xử lý chất thải. |