Trong khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Mỹ, EU giảm sút thì thị trường Trung Quốc (TQ) lại tăng cao. Đơn cử TQ là thị trường tiêu thụ tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 58% xuất khẩu tôm của nước ta sang thị trường này. TQ cũng đã vượt EU, trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam.
Với tốc độ gia tăng như hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang TQ sẽ vượt mốc 1 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN), chuyên gia vẫn lo ngại thị trường này có nhiều rủi ro với nhiều rào cản mới.
Mất 12 triệu USD/năm
Công ty thực phẩm AMANDA Việt Nam cho biết đang gặp khó khăn khi xuất khẩu mặt hàng cá hồi sang TQ. DN đã ký được hợp đồng xuất khẩu 100 tấn/tháng sản phẩm cá hồi với đối tác TQ. Nếu mọi việc suôn sẻ thì mỗi năm hợp đồng trên sẽ mang về cho DN hơn 12 triệu USD.
Thế nhưng khi DN chuẩn bị xuất lô hàng đầu tiên thì nhận được thông tin như “sét đánh ngang tai”: Mặt hàng cá hồi nằm trong danh mục sản phẩm không được nhập khẩu từ Việt Nam vào TQ.
“Ngay cả đối tác nhập khẩu của TQ cũng bất ngờ khi bỗng nhiên xuất hiện danh mục sản phẩm không được nhập khẩu từ VN. Đối tác TQ đã kiến nghị nước này xin quota nhập khẩu mặt hàng cá hồi nhưng vẫn không được chấp nhận. Bản thân chúng tôi cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nhờ tháo gỡ vướng mắc” - ông Đặng Ngọc Sâm Thương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty AMANDA Việt Nam, cho hay.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay đã nhận được kiến nghị của AMANDA Việt Nam, đồng thời đang dịch danh mục cấm nhập khẩu một số sản phẩm từ Việt Nam của TQ để các DN Việt Nam nắm thông tin. “Chúng tôi cũng sẽ kiến nghị Bộ NN&PTNT làm việc với phía TQ, đề nghị gỡ bỏ danh mục cấm này” - ông Nam cho hay.
Tuy vậy, để tránh rơi vào tình huống bất lợi như trên, một số ý kiến cho rằng DN Việt cần tìm hiểu kỹ thông tin, quy định của nước nhập khẩu. Có như vậy mới không bị rủi ro. Bởi theo quy định hiện nay, muốn xuất khẩu sang TQ, các nhà sản xuất chế biến thủy sản Việt Nam phải nằm trong danh sách được TQ công nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều kiện thứ hai là các DN xuất khẩu thủy sản phải được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cấp chứng nhận đạt chất lượng xuất khẩu sang thị trường này.
Người giàu Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận giá cao miễn sản phẩm đảm bảo chất lượng. Trong ảnh: Một khách hàng Trung Quốc đang tìm hiểu mặt hàng thủy sản Việt. Ảnh: QUANG HUY
Người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi
Do mất mùa tôm, đặc biệt là thay đổi đột phá trong xu hướng tiêu dùng nên hiện nay TQ đang nhập khẩu mạnh mặt hàng thủy sản, đặc biệt là từ Việt Nam. Có điều dù là nước láng giềng nhưng nhiều ý kiến cho rằng DN Việt vẫn thiếu thông tin, không hiểu biết về thị trường này nên không khai thác hết tiềm năng, gia tăng được lợi nhuận và gặp không ít rủi ro.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại và Thủy sản Thuận Phước, dẫn chứng thời điểm hiện nay TQ đang mua tôm Việt Nam rất nhiều. Tuy vậy, các lô hàng thủy sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch. Trong khi thực tế cho thấy xuất tiểu ngạch gặp rất nhiều rủi ro, thiếu ổn định. Đặc biệt, việc xuất qua tiểu ngạch không được kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng sẽ khiến nông dân dễ dãi, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, làm ảnh hưởng chung đến ngành thủy sản.
“Do vậy, theo tôi, cần chuyển sang xuất khẩu thủy sản chính ngạch, quản lý chặt chất lượng, kháng sinh. Đồng thời, Việt Nam cần cấp chứng thư vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu sang thị trường TQ cũng như các thị trường khác. Làm được điều này sẽ nâng cao uy tín, giá trị hàng Việt, giảm thiểu rủi ro” - ông Lĩnh đề nghị.
“Mách nước” cho DN thủy sản Việt Nam, TS Yang Yong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ sinh học Nutriera Quảng Châu (TQ), cho hay thị trường nước này ngày càng quan tâm đến sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, dinh dưỡng, an toàn.
“Người tiêu dùng TQ ngày càng bận rộn, họ cần sản phẩm tiện lợi, chế biến đa dạng. Những người TQ ăn thủy sản thường có thu nhập tốt nên họ sẵn sàng chấp nhận giá cao miễn đảm bảo chất lượng. Như cá, nếu được chế biến thành nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tẩm bột chiên, làm bánh cá chiên, lẩu… thì giá bán có thể tăng 20% hoặc cao hơn nhiều” - TS Yong chia sẻ.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cũng cho rằng người tiêu dùng TQ mua hàng qua các trang thương mại điện tử tăng vọt. Vì vậy, DN Việt cần đẩy mạnh xuất khẩu qua mạng; làm việc trực tiếp với DN TQ bằng cách lập gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba.
Hơn 1.000 doanh nghiệp Việt bị từ chối xuất khẩu vào Mỹ Thông tin này được đưa ra tại Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu với chủ đề “Phát triển thị trường cho hàng Việt”, do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức. Nguyên nhân do DN Việt Nam không nắm được quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Mỹ nên không thể xuất khẩu hàng vào Mỹ. AmCham quan ngại rằng việc thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ. Coi chừng đối tác đột ngột ngừng mua Theo Bộ Công Thương, TQ là thị trường lớn của thủy sản Việt Nam trong những năm tới. Lý do là tiêu thụ thủy sản của thị trường hơn 1,3 tỉ dân này đến năm 2020 sẽ tăng lên 36 kg/người. Tuy vậy, để tránh rủi ro về thanh toán, các DN Việt nên nhận tiền từ đối tác rồi mới giao hàng. Đặc biệt, cần có phương án dự phòng để không rơi vào tình huống TQ đột ngột ngưng mua thì không thể bán đi thị trường khác. Ví dụ cần đa dạng thị trường, không tập trung bán hàng cho một thị trường. |