Ngày 29-7, theo tin từ UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh (sẽ nghỉ hưu từ 1-8 tới) đã ký quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 22-7-2019 quy định về tách thửa trên địa bàn tỉnh.
Quyết định này có hiệu lực từ 2-8 tới đây và thay thế quyết định số 23 năm 2017 còn bộc lộ nhiều hạn chế, là nguyên nhân dẫn tới việc cá nhân tách thửa, phân lô bán nền tràn lan thời gian qua tại tỉnh BR-VT.
Vũng Tàu: Hơn 2.000 m2 phải lập phương án tách thửa
Theo đó, QĐ 18 có một số điểm khác so với QĐ 23 khi quy định cụ thể hơn về quy mô, diện tích tách thửa phù hợp từng địa bàn TP, huyện, trong đó đặc biệt phần nói về tách thửa đất nông nghiệp.
Cụ thể, nếu như ở QĐ cũ chỉ ghi đơn giản diện tích tối thiểu thửa đất mới và diện tích tối thiểu thửa đất còn lại sau khi tách thửa đất là 500 m2 thì ở QĐ 18 mới đã chi tiết hơn.
Theo đó, đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch sản xuất nông nghiệp thì các thửa đất sau khi tách có diện tích tối thiểu không nhỏ hơn 500 m2 tại các phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố và trung tâm huyện Côn Đảo; không nhỏ hơn 1.000 m2 tại địa bàn các xã còn lại. Riêng đối với đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải đắp bờ trước khi tách thửa.
Trường hợp thửa đất được đề nghị tách thửa có diện tích lớn hơn 2.000 m2 tại TP.Vũng Tàu và lớn hơn 5.000 m2 tại các huyện, thị xã, thành phố còn lại, người sử sụng đất phải lập bản vẽ phương án tách thửa và liên hệ đến UBND cấp huyện để được hướng dẫn thỏa thuận phương án mặt bằng tách thửa nhằm đảm bảo quản lý xây dựng, quản lý quy hoạch sử dụng đất và quản lý quy hoạch phát triển nông thôn.
Đối với đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định trước khi thực hiện tách thửa theo diện tích tối thiểu trên.
“Chặt đứt” việc tự làm đường để bán dự án “ma”
Tại các kỳ họp gần đây của tỉnh BR-VT đều thẳng thắn thừa nhận, quy định khá chi tiết, cụ thể về tách thửa đất có hình thành đường giao thông tại QĐ 23 cũ đã bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng để xin làm đường vào các khu đất xin tách thửa, phân lô. Đặc biệt ở các dự án “ma” (ví dụ như các dự án của công ty CP địa ốc Alibaba) đều đã lợi dụng quy định này để làm rất nhiều đường trái phép trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền…
Một trong nhiều tuyến đường xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại "dự án" KDC Alibaba Tân Thành Center1. Ảnh:TK
Cụ thể, QĐ 23 cũ quy định: Thửa đất hình thành sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu hoặc phải xây dựng đường giao thông theo quy định (không bao gồm trường hợp tách thửa để hợp vào thửa đất liền kề đã tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu và tách thửa đất đối với đất nông nghiệp).
Đường giao thông xây dựng mới hình thành trong khu dân cư hiện hữu phải đảm bảo có bề rộng không nhỏ hơn 4m và ngoài khu dân cư hiện hữu có bề rộng không nhỏ hơn 7m (bao gồm lòng đường và vỉa hè). Riêng Vũng Tàu, Bà Rịa và các đô thị đã có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị đã phê duyệt thì thực hiện theo quy chế này. Đối với khu vực nông thôn thì đường giao thông xây dựng mới hình thành phải đảm bảo có bề rộng lòng đường không nhỏ hơn 4m; Đối với thửa đất tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu, được tách thửa đất theo đường giao thông hiện hữu.
Khi giải quyết hồ sơ tách thửa đất, chủ sử dụng đất phải hoàn thành việc xây dựng đường giao thông; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước và đấu nối với đường giao thông hiện hữu.
Còn ở QĐ 18 mới, quy định này đã rút gọn hơn nhưng chặt chẽ hơn.
Cụ thể, thửa đất thuộc khu vực quy hoạch đất ở, đất thương mại dịch vụ và đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sau khi tách thửa phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý.
Trường hợp hình thành đường giao thông mới khi tách thửa (nếu có) người sử dụng đất phải được UBND cấp huyện chấp thuận bản vẽ xin phép hình thành đường giao thông; việc cấp phép hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, được thực hiện trước khi lập thủ tục tách thửa.
Ngoài ra, nếu ở QĐ 23 cũ chỉ quy định UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, nghiệm thu việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông thì ở QĐ 18 mới đã ghi rõ hơn, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Sở Xây dựng.
Cụ thể, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành hướng dẫn việc hình thành đường giao thông, thi công hạ tầng kỹ thuật, kết nối đồng bộ với đường giao thông hiện hữu, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.
UBND cấp huyện khi kiểm tra, nghiệm thu đường giao thông mới hình thành cũng phải theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.
Các “dự án” sai Luật Nhà ở bị HĐND đề nghị kiểm tra lại sẽ thoát? Ngày 18-7 tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh BR-VT khóa 6, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh sau phần chất vấn về công tác tách thửa trên địa bàn đã chỉ đạo rõ: Phải kiểm tra lại 72 “dự án” (trong tổng số 191 “dự án” cá nhân xin làm đường giao thông để tách thửa, qua đó tự phân lô, bán nền-PV) đã được cơ quan thẩm quyền cấp huyện cấp phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Lý do, việc cá nhân xin làm đường rồi tách thửa đất, chuyển mục đích sử dụng và phân lô, bán nền như một dự án bất động sản trên không đúng với mục tiêu dân sinh của QĐ 23 và sai với Luật Nhà ở. Vậy nhưng, theo Điều 8 QĐ 18, ông Nguyễn Văn Trình, chủ tịch UBND tỉnh BR-VT lại nêu rõ: Các trường hợp hồ sơ tách thửa đã được tiếp nhận hợp lệ trước ngày QĐ 18 có hiệu lực (không thuộc trường hợp có hình thành đường giao thông mới) và các trường hợp đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại QĐ 23. |