Trong bức thư gửi tới cha mình được đăng trên tờ New Straits Times, bác sĩ Nur Nadia Abd Rahim đã thể hiện niềm tự hào đối với công việc mà cha đảm nhận.
|
Một em nhỏ viết thông điệp cầu nguyện cho những người có mặt trên chuyến bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines. |
Mở đầu lá thư đầy tâm trạng, Rahim thừa nhận rằng đây là những gì cô nên viết từ lâu để cho cha mình biết rằng cô tự hào về ông ấy như thế nào.
"Tôi tự hào về những gì cha làm, mặc dù ông hầu như không ở bên tôi trong suốt thời thơ ấu," Rahim viết.
Sau đó, cô gửi lời xin lỗi tới cha mình vì đã cảm thấy xấu hổ khi nói với các bạn rằng ông là một phi công.
Tuy nhiên, trong bức thư này, Rahim đã nói về công việc của cha bằng những lời lẽ đầy tự hào. "Cha tôi, cũng giống như cơ trưởng trên chuyến bay mất tích, đã làm việc cho hãng Malaysia Airlines (MAS) kể từ khi rời ghế nhà trường."
Theo Rahim, cha cô là một người rất gắn bó với MAS. "Nhiều lần chúng tôi đã khuyên ông làm việc cho các hãng hàng không khác nhưng ông từ chối....Gia đình chúng tôi thể tận hưởng những đặc quyền như: giáo dục miễn phí tại các trường quốc tế, được chi trả cho một cuộc sống đắt đỏ, một tài xế đưa chúng tôi đi khắp nơi nếu cha tôi chấp nhận lời đề nghị từ các hãng hàng không lớn hơn."
Rahim cũng kể về những khó khăn mà gia đình cô phải trải qua khi không có cha ở bên.
"Là con gái của một phi công, bạn phải xác định rằng chỉ có mẹ trong buổi lễ khai giảng đầu tiên, các buổi lễ trao giải thưởng, ngày hội trường thậm chí là ngày sinh nhật," Rahim nói.
Sự cố tồi tệ nhất mà mẹ con cô gặp phải là khi có trộm lẻn vào nhà. Vì cha vắng mặt nên mẹ cô, khi đó đang mang bầu 7 tháng đã tự xử lý mọi chuyện.
"Bà từ chối gọi điện cho cha và trách mắng ông khi ông ấy bay về Kuala Lumpur ngay hôm sau. Mẹ tôi hiểu gánh nặng ông đang đặt trên vai và tầm quan trọng của việc phải tập trung toàn tâm toàn lực trong lúc bay vì ông ấy phải chịu trách nhiệm về tính mạng của hàng trăm con người."
Mặc dù thường bị bạn bè hỏi han và chọc ghẹo về sự vắng mặt của cha nhưng Rahim nói rằng cha cô không phải là một người cha tồi, ông ấy chỉ làm việc để nuôi sống cả gia đình.
"Trong suốt cuộc đời cha, sự hiện diện của ông được quyết định bằng một bảng phân công công việc mà ông ấy cầm về cho gia đình mỗi tháng. Đôi khi cha nổi giận khi tôi hỏi ông sẽ đi đâu."
Rahim nhớ về những lần cha cô chuẩn bị cho một chuyến công tác mới, cả gia đình sẽ ra tiễn và cầu nguyện cho ông trước khi đi ngủ. Và mỗi lần cha trở về, mọi người lại đứng chờ trước cửa nhà để chào đón ông.
"Tôi chưa từng nhận ra rằng những điều này có ý nghĩa như thế nào có tới khi sự cố MH370 xảy ra," cô viết.
Bên cạnh niềm tự hào về công việc mà cha mình đang làm, Rahim cũng thừa nhận "trong thâm tâm, cả gia đình tôi đều biết mỗi lần ông ấy lên máy bay là chúng tôi có thể nhận được một cuộc gọi định mệnh báo ông ấy sẽ không không giờ trở về nữa."
"Chúng tôi chấp nhận đó là một phần cuộc sống của mình."
Cuối thư, Rahim nói rằng các phi công đã hy sinh rất nhiều để có thể giúp thể giới kết nối từ nơi này tới nơi khác và cô mong mọi người "trước khi phán xét hay suy đoán, hãy nhớ rằng bạn không chỉ làm tổn thương gia đình của họ mà còn làm tổn thương cảm xúc của đại gia đình Malaysia Airlines."
Cô cũng không quên cầu nguyện cho các hành khách trên chuyến bay MH370 và chia sẻ với thân nhân của họ.
"MH370, cho dù bạn đang ở đâu, chúng tôi đều cầu mong bạn quay trở lại."
Theo Sầm Hoa (VNN)