Hội nghị đối thoại về thủ tục hành chính thuế và hải quan do Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29-11 tại TP.HCM đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN) tham dự với nhiều bức xúc.
Bất ngờ hết được ưu đãi
Đó là trường hợp của Công ty Cổ phần Thiết kế DK được ông Vũ Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT công ty, nêu ra tại buổi đối thoại. Ông Đạo kể công ty thành lập từ năm 2007, giấy phép đầu tư dự án được ưu đãi miễn giảm thuế. Trong suốt quá trình gần 10 năm đầu tư, công ty của ông đóng thuế đầy đủ và được Tổng cục Thuế tặng giấy khen về thực hiện tốt chính sách thuế.
“Thế nhưng mới đây, trong năm 2017, cơ quan thuế lại thông báo với chúng tôi đây là dự án đầu tư mở rộng chứ không phải dự án mới nên không được ưu đãi miễn giảm thuế. Qua nhiều lần họp, gửi kiến nghị lên Tổng cục Thuế, câu trả lời mà chúng tôi nhận được vẫn là không được ưu đãi vì đây là dự án đầu tư mở rộng. Chúng tôi không tâm phục, khẩu phục” - ông Đạo bức xúc.
Cũng theo ông Đạo, đáng lẽ ngay từ khi công ty xin giấy phép đầu tư hoặc trong quá trình đầu tư, cơ quan thuế phải thông báo rõ có được ưu đãi hay không. Đằng này khi công ty đã hoạt động 10 năm, cơ quan thuế mới kiểm tra và yêu cầu phải đóng thuế thì công ty không biết lấy tiền đâu để đóng cho Nhà nước.
Một chuyên gia thuế cho biết thêm nhiều nhà đầu tư cũng gặp phải vướng mắc tương tự. Nguyên nhân nằm ở chỗ Tổng cục Thuế xác định đó chỉ là dự án đầu tư mở rộng, trong khi cơ quan chức năng khác lại xác định đó là dự án đầu tư mới. Thêm vào đó, trước năm 2009, dự án đầu tư mở rộng vẫn được hưởng ưu đãi đầu tư nhưng từ năm 2009 đến năm 2013 thì lại không.
DN đang trao đổi vướng mắc với cơ quan thuế và hải quan tại buổi đối thoại ngày 29-11. Ảnh: QUANG HUY
“Sự chồng chéo, khác nhau trong chính sách pháp luật này đã khiến các cơ quan quản lý lúng túng, còn nhà đầu tư thì cho rằng cơ quan chức năng tiền hậu bất nhất” - vị chuyên gia thuế nói.
Giải đáp thắc mắc của DN và chuyên gia về vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định cơ quan thuế thực hiện đúng quy định. Tuy vậy, ông Tuấn thừa nhận việc áp dụng quy định này có sự máy móc. “Tổng cục Thuế sẽ chỉ đạo cục thuế địa phương xem xét lại trường hợp của DN và kiến nghị lên Tổng cục để có hướng tháo gỡ” - ông Tuấn cam kết.
“Ông lớn” cũng gặp vướng
Một số “ông lớn” như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng gặp vướng mắc về thủ tục thuế, hải quan. Đại diện Vinamilk kể từ năm 2011 đã thực hiện việc xuất nhập khẩu tại chỗ, mở tờ khai và được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Đến tháng 2-2017, Tổng cục Hải quan có công văn nêu rõ điều kiện để hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN vẫn được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Thế nhưng đùng một cái, đến tháng 11-2017, cơ quan hải quan lại thông báo truy thu thuế xuất nhập khẩu đường của Vinamilk mua từ một công ty khác. Theo giải thích của cơ quan thuế, chỉ có DN trong khu chế xuất mới được hưởng ưu đãi.
“Với quy định này, Vinamilk phải chở hàng vào khu chế xuất để thực hiện các thủ tục thì mới được hưởng ưu đãi. Như vậy, dù bản chất hàng hóa giao dịch không thay đổi nhưng nó làm cho chúng tôi mất thời gian, tốn thêm chi phí” - đại diện Vinamilk cho biết.
Trả lời thắc mắc của DN, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết theo đúng quy định thì hàng hóa xuất nhập khẩu từ khu phi thuế quan, khu chế xuất mới được hưởng ưu đãi thuế. Tuy vậy, cơ quan hải quan tiếp nhận vướng mắc này của DN để sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng ưu tiên tạo điều kiện cho DN xuất nhập khẩu tại chỗ.
Hóa đơn điện tử vẫn phải xài giấy
Về chủ trương triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, nhiều DN đều ủng hộ vì giảm chi phí và giảm thủ tục. Tuy nhiên, việc áp dụng hóa đơn điện tử thiếu đồng bộ khiến cộng đồng kinh doanh lo lắng, thậm chí gặp nhiều rắc rối hơn so với sử dụng hóa đơn giấy.
Ông Nguyễn Hữu Hậu, đại diện Công ty TNHH Tân Tiến, dẫn chứng khi áp dụng hóa đơn điện tử gặp vướng mắc trong quá trình đi đường nên phải in hóa đơn điện tử ra giấy để cơ quan chức năng kiểm tra. Bởi thực tế nếu không có hóa đơn giấy thì cơ quan chức năng khó lòng giải quyết cho DN. Thậm chí có trường hợp bị cơ quan chức năng giữ lại hàng để kiểm tra.
Trước vướng mắc này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn thừa nhận tình trạng bất cập khi đã có hóa đơn điện tử mà vẫn phải… in giấy. Để khắc phục trước mắt tổng cục sẽ có văn bản đề nghị cục thuế địa phương thông báo với các cơ quan chức năng về việc DN được in hóa đơn điện tử ra giấy để phục vụ trên đường vận chuyển hàng hóa.
“Đồng thời trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đề xuất trường hợp đi trên đường không phải sử dụng hóa đơn giấy. Cơ quan chức năng có trách nhiệm tra cứu, cập nhật thông tin hóa đơn điện tử của DN trên website của Tổng cục Thuế. Trong trường hợp không tra cứu được do mạng yếu, trục trặc kỹ thuật thì các cơ quan chức năng cần giải phóng hàng nhanh cho DN” - lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Hạn chế doanh nghiệp gặp cán bộ thuế, hải quan Phát biểu tại hội nghị đối thoại ngày 29-11, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho DN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp. Chẳng hạn, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử. Trước kiến nghị xem xét lại bộ máy tổ chức của cơ quan thuế, hải quan, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết sẽ xem xét sắp xếp, cơ cấu tinh gọn lại bộ máy. Hiện Bộ đã có quy trình, quy chế luân chuyển cán bộ, giảm tiếp xúc giữa cán bộ với DN, nhất là lĩnh vực hải quan bằng việc áp dụng công nghệ. “Việc hạn chế DN phải gặp cán bộ thuế, hải quan sẽ tránh được tiêu cực, nhũng nhiễu DN. Bộ tài chính cũng đã triển khai hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ trong cơ quan thuế, hải quan; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm” - bà Mai nói. |