Đó là nhận định của ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tại hội nghị sơ kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sáu tháng đầu năm vào sáng nay (25-7).
Ông Đàm Thanh Thế (đứng) cho rằng nhiều công chức tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Ảnh: TUYẾN PHAN
Theo ông Thế, sáu tháng đầu năm 2017, bên cạnh những thành tích đạt được, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chưa tương xứng với thực tế tình hình buôn lậu phức tạp đang diễn ra.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có cả chủ quan và khách quan, trong đó cần nhìn nhận thẳng thắn về yếu tố chủ quan.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng vai trò lãnh đạo của một số người, một số nơi trong triển khai công tác đấu tranh chưa thực sự quyết liệt, kiểm tra thiếu thường xuyên. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm của công chức thực hiện nhiệm vụ có nơi còn làm ngơ, buông lỏng, thậm chí còn tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, hàng giả.
Điển hình như thời gian vừa qua, tại tỉnh Sóc Trăng, hai cán bộ quản lý thị trường tiếp tay cho đối tượng vi phạm, sau đó bị bắt giữ và xử lý theo quy định. Hay như sai phạm của 28 cán bộ hải quan tỉnh An Giang đã bị truy tố và xử lý trước pháp luật.
Ngoài ra, ông Thế cũng nhận định những chính sách liên quan đến pháp luật còn có kẽ hở, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật, ví dụ các chính sách về hóa đơn, giám định hàng hóa… Hiện các đơn vị liên quan đang kiến nghị cơ quan chức năng có hướng dẫn, sửa đổi để hiệu quả đấu tranh tốt hơn.
Đề cập tới vấn đề xác định trách nhiệm cán bộ trong công tác đấu tranh hàng lậu, gian lận thương mại, vị chánh văn phòng khẳng định ngay từ khi thành lập, lãnh đạo Ban chỉ đạo 389 đã có các chỉ đạo, chỉ thị về việc không có vùng cấm trong các lĩnh vực trên.
Bên cạnh đó, nơi nào, địa phương nào để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả xảy ra phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống xã hội thì phải xử lý người đứng đầu.
Ông Thế nêu ví dụ có những đồn biên phòng để cho buôn lậu qua sông, gây bức xúc thì từ chỉ huy đến chiến sĩ đều bị xử lý. Hoặc mới đây nhất là trường hợp hai cán bộ ở Sóc Trăng như đã nói, có hành vi “bảo kê” cho vi phạm.
“Năm nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo văn phòng xây dựng tiêu chí thi đua đối với Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương. Hiện chúng tôi đang khảo sát, đánh giá và xây dựng tiêu chí này. Sẽ có đơn vị đứng đầu và đứng cuối, từ đó có căn cứ xem xét, nếu có khiếm khuyết thì sẽ phải chịu trách nhiệm” - ông Thế nói.
Sáu tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách từ tiền phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, truy thu thuế đạt gần 8.000 tỉ đồng; khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng. |