Ông Huỳnh Nghĩa (trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) cho biết, qua báo cáo giám sát cho thấy tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân: “Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân, nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng”.
Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, việc phải thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng, vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời: “Theo quy định của Luật bồi thường nhà nước, kể từ khi người bị oan có đơn yêu cầu bồi thường đến khi hòa giải, ra quyết định bồi thường tối đa là 80 ngày. Nhưng qua giám sát có vụ kéo dài đến 9 năm vẫn chưa giải quyết xong, nghĩa là gấp 41 lần so với thời gian quy định. Vậy nguyên nhân từ đâu? Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan đã gây ra án oan nhưng chậm giải quyết bồi thường như thế nào? Đề nghị cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp cụ thể để xử lý”.
ĐB Nghĩa yêu cầu Quốc hội sớm sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước và các luật có liên quan, đảm bảo cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm khắc phục tình trạng bồi thường án oan chậm chạp, lê thê như vừa qua.
ĐB Nghĩa cũng cho rằng xử lý vụ án sai, không đúng, bỏ lọt tội phạm gây tác hại rất lớn cho xã hội, gây bức xúc trong nhân dân. “Tôi đề nghị, Quốc hội cần bổ sung vào Nghị quyết nội dung yêu cầu các ngành tố tụng trung ương thành lập Tổ phối hợp liên ngành để tập trung xem xét lại những vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, những vụ án mà các ngành công an - kiểm sát có quan điểm trái ngược nhau giữa có tội và không có tội. Kể cả một số vụ án qua giám sát phát hiện bị oan có đầy đủ căn cứ cần giám đốc thẩm ngay, nhằm làm lành mạnh hóa môi trường đấu tranh phòng chống tội phạm, khôi phục danh dự cho người bị oan, đem lại niềm tin cho nhân dân vào công lý của chế độ”, ĐB Nghĩa kiến nghị.
Ông Huỳnh Nghĩa cũng yêu cầu xử lý nghiêm khắc các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm oan sai. LÊ PHI
Theo ĐB Nghĩa, trong 3 năm, các cơ quan tố tụng hình sự phải bồi thường trên 40 tỷ đồng. Cụ thể, ngành công an trên 450 triệu đồng; ngành kiểm sát bồi thường trên 11 tỷ đồng, ngành tòa án gần 28 tỷ đồng.
“Từ những con số trên cho thấy, năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ các ngành tố tụng còn yếu trong khâu điều tra, truy tố, xét xử. Đề nghị ba ngành xem xét, kiên quyết điều chuyển những người năng lực yếu, trình độ kém, đã làm oan người vô tội ra khỏi bộ máy tố tụng. Qua đó, lựa chọn những cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt để thay thế vào vị trí này. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp làm oan sai theo đúng quy định pháp luật”, ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh.
“Qua giám sát cho thấy, do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn nên người gây ra oan sai “thoát” nghĩa vụ này. Báo cáo giám sát vẫn chưa chỉ ra được vì sao cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét, quyết định việc bồi hoàn? Tôi đề nghị Quốc hội cần làm rõ vấn đề này để đưa vào Nghị quyết, nhằm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc”, ĐB Huỳnh Nghĩa kiến nghị.