Quốc hội cần thể hiện ý chí mạnh mẽ về vấn đề biển Đông

Về vấn đề này, đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã chính thức có thư gửi chủ tịch QH đề nghị có phản ứng tương xứng về những hành động ngang ngược của Trung Quốc. Trong khi đó, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì nên để ĐB phát biểu và thảo luận. “QH có thể họp riêng để thống nhất nhưng phải để các ĐB được thảo luận, được hỏi đề xuất ý kiến chứ không phải nghe rồi đi về” - ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Bên hành lang QH ngày 4-6, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ĐB Nguyễn Anh Sơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH - người đầu tiên yêu cầu QH phải có phiên làm việc về vấn đề biển Đông khi chương trình nghị sự không nêu.

. Phóng viên: Ông đã đề xuất đưa vấn đề biển Đông vào kỳ họp này, theo ông, QH có nên ra một tuyên bố cứng rắn về biển Đông trước những hành động của Trung Quốc hiện nay?

+ ĐB Nguyễn Anh Sơn: Chắc chắn là cần phải như thế. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đã rất mạnh mẽ thể hiện thái độ của mình thì không lý gì đất của mình, biển của mình, đảo của mình mà mình lại không thể hiện được quyết tâm, ý chí để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

. Cụ thể cần bày tỏ thái độ như thế nào, thưa ông?

+ Trước hết, QH nên tỏ rõ thái độ kiên quyết để người dân thấy rằng các ĐBQH đại diện cho nhân dân ở đây là đại diện cho tình yêu đối với đất nước, với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là điều mà QH và các ĐBQH nên thể hiện.

. Xin cám ơn ông.

Việt Nam xác minh tàu đã cản trở tàu cứu hộ Việt Nam ở Hoàng Sa

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 4-6, khi được hỏi về việc tàu cứu hộ Việt Nam trong khi thực hiện hoạt động cứu nạn ngư dân thì hai lần bị tàu nước khác cản trở, ngăn chặn yêu cầu chuyển hướng, bà Phạm Thu Hằng (phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam) khẳng định: “Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra thông tin này, tuy nhiên chúng tôi một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc Việt Nam cử tàu tìm kiếm cứu nạn ra quần đảo Hoàng Sa là hoạt động bình thường, hợp pháp, phù hợp với lợi ích Việt Nam và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982”.

Trước đó, tối 29-5, tàu SAR 412 thuộc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) khi đang làm nhiệm vụ cứu nạn, ngư dân Phạm Thanh Ngọc trên tàu bị choáng, khó thở, trong tình trạng nguy kịch đã bị tàu không rõ số hiệu yêu cầu chuyển hướng. Tiếp đó tàu mang số hiệu 841 xuất hiện gần tàu SAR 412 rồi hướng thẳng vào hông tàu SAR 412. Khi cách khoảng 80-100 m, tàu lạ giảm tốc độ và chuyển hướng chạy song song với SAR 412 và chỉ dừng lại khi tàu cứu hộ đi qua đảo Tri Tôn khoảng 15 hải lý.

V.THỊNH

LÊ PHI thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm